Hỗ trợ doanh nghiệp

DN cần phải liên kết, hỗ trợ nhau, không nên quá sòng phẳng, mạnh ai nấy làm

DNVN - Tại Diễn đàn Hợp tác – Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Đình Biên – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hòa Bình cho rằng các DN giai đoạn này cần phải liên kết hỗ trợ nhau nhưng không nên quá sòng phẳng, mạnh ai nấy làm sẽ không có hiệu quả.

Bàn giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 / Khai mạc Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020

Mới đây, tại TP. Hòa Bình đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác – Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình (gọi tắt là Diễn đàn). Đây là Diễn đàn thường niên do Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam(VINASME) chủ trì tổ chức trong 12 năm qua. Đây là năm thứ 13 diễn đàn được tổ chức kế thừa và phát triển những thành quả đạt được qua các Diễn đàn trước đây, nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Bên lề Diễn đàn, Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Biên – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hòa Bình về những khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của tỉnh gặp phải cũng như những giải pháp mà Hiệp hội của tỉnh đã triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua, cũng như những kỳ vọng của Hiệp hội đối với Diễn đàn lần này.

Ông Nguyễn Đình Biên – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hòa Bình.

Ông Nguyễn Đình Biên – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hòa Bình.

Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra rất nhiều những khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đặc biệt là DN vừa và nhỏ trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Trước những khó khăn này Hiệp hội đã có những giải pháp như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Biên: Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho cộng đồng DN Việt Nam nói chung và đặc biệt là DN vừa và nhỏ nói riêng gặp phải rất nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, với các thành viên trong Hiệp hội của tỉnh, tùy hoàn cảnh của mình, tùy từng vướng mắc khó khăn mà DN đang gặp phải như khó khăn về vốn, khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, khó khăn liên quan đến các vấn đề về luật pháp đều được chúng tôi cử chuyên gia đến từng DN để lắng nghe, chia sẻ. Những vấn đề giải quyết được chúng tôi sẽ tiến hành giải quyết luôn. Những vấn đề khó hơn chúng tôi sẽ tiến hành họp bàn với các cơ quan nhà nước để đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với DN.

Sau những khó khăn mà dịch bệnh Covid-19 gây ra, Chính phủ đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ, ngoài ra còn có thêm gói hỗ trợ 16.000 tỷ những đa số các DN tại tỉnh Hòa Bình nói riêng và cả nước nói chung đều chưa tiếp cận được. Vấn đề này, theo ông do các DN đang ngại về các vấn đề liên quan đến thủ tục giấy tờ hay như thế nào?

Hiện tại, cả 2 gói hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn bởi dịch bệnh mà Chính phủ đưa ra cả người lao động và DN đều chưa tiếp cận được. Tôi thấy rằng, có những gói hỗ trợ DN nhỏ và vừa gặp khó khăn thì các DN đều chưa với được. Các DN đã gặp khó khăn, không có doanh thu rồi thì việc việc giảm thuê thu nhập DN cũng không có tác dụng gì.

Còn các DN vì muốn giúp đỡ cán bộ công nhân viên của mình đã dùng mọi nguồn lực để hỗ trợ người lao động thì lại rơi vào diện DN còn khả năng chi trả vậy nên không được vay gói hỗ trợ không lãi suất của ngân hàng.

Về việc này, cho đến thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa hiểu hết được nguyên nhân sâu sa vì sao mà đa số DN vẫn chưa được nhận hỗ trợ từ các gói này. Tôi cũng mong muốn Chính phủ xem xét làm sao để các gói hỗ trợ này có thể đến được tay người lao động và những DN đang gặp khó khăn.

Ông có thể cho biết thêm cộng đồng DN tỉnh Hòa Bình đặc biệt là DN vừa và nhỏ đã những giải pháp liên kết thế nào để tìm được thị trường cũng như hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khủng hoảng của dịch bệnh Covid-19 được không?

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng vẫn chưa được thông thoáng, vì vậy theo tôi cần có những điều chỉnh phù hợp hơn đặc biệt đối với đối tượng DN nhỏ và vừa. Đối với các DN đặc biệt là DN mới khởi nghiệp cần phải có sự liên kết. Nhưng phải có những giải pháp liên kết phù hợp, còn nếu liên kết theo kiểu sòng phẳng, mạnh ai người ấy làm thì sẽ không hiệu quả. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những khó khăn của DN cần có những cơ chế đặc thù cần được tháo gỡ trong giới hạn của tỉnh có thể làm được không?

Như trên tôi đã đề cập, hiện tại tỉnh cũng có đề án cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Đề án này sẽ được trình lên HĐND vào kỳ họp tới. Nội dung đề án sẽ thực hiện 2021 – 2025 trong đó đưa ra rất nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Vấn đề cải cách thủ tục hành chính được chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Sau đó đến những vấn đề nổi cộm trong DN như thiếu vốn, thiếu định hướng đầu tư để DN có sức mạnh tốt.

Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh Hòa Bình cũng công khai những dự án đầu tư, trao đổi với DN những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để DN có định hướng phát triển tốt nhất trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Phạm (ghi)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm