Doanh nghiệp cá tra kỳ vọng tăng trưởng những tháng cuối năm
Từ hôm nay (3/8), chính thức giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp / Microsoft khẳng định tiếp tục theo đuổi thương vụ TikTok
Xuất khẩu giảm, tồn kho lớn
Là một trong hai mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực, mặt hàng cá tra bị tác động rất lớn bởi dịch bệnh Cobid-19 khiến kim ngạch giảm sâu nhất, tới hơn 30% trong nửa đầu năm, khiến lượng tồn kho của các DN khá lớn.
Là DN xuất khẩu cá tra lớn tại Đồng Tháp, trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Tâm, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản CADOVIMEX II cho biết, mỗi tháng trung bình CADOVIMEX II xuất khẩu vài trăm container cá tra, trong đó chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng từ đại dịch, lượng hàng XK của công ty giảm đến phân nửa. Hiện lượng hàng tồn kho khoảng 4-5 tấn thành phẩm. Tuy vậy, để người lao động có việc làm, công ty vẫn duy trì sản xuất.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: T.H
Ông Ong Hàn Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Trường Giang cho biết, là DN chuyên chế biến xuất khẩu cá tra, trong thời gian qua DN bị ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch đến việc sản xuất, kinh doanh. Lượng cá tra xuất khẩu của DN giảm từ 30-50%, giá cá tra cũng giảm sâu khiến DN gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ giảm kim ngạch xuất khẩu, giá cá tra giảm mạnh cũng khiến DN điêu đứng. Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn, hiện tại các doanh nghiệp tự nuôi cá tra nguyên liệu chiếm khoảng 70% nguồn cung, nên khi cơn bão đóng cửa nền kinh tế của các nước, hầu hết các doanh nghiệp chế biến cá tra chịu “khó khăn kép”. Mặc dù, đâu đó trong ngành vẫn có những doanh nghiệp lội ngược dòng tận dụng cơ hội tăng trưởng cho các mặt hàng chế biến sẵn, tiện lợi cho bán lẻ. “Vượt qua Covid-19, cá tra Việt Nam đã rất "anh dũng" ra khơi và chịu lắm thương tích nhưng vẫn gồng mình vượt qua… Chúng ta đã tự rút ra rất nhiều bài học cho chính mình, đó là bài học về quản trị rủi ro, về đa dạng thị trường và sản phẩm… Nhưng chúng ta cũng đang bị kéo theo dòng chảy của thị trường… thay vì làm chủ cuộc chơi với chiến lược dài hạn và chủ động”- bà Trương Thị Lệ Khanh chia sẻ.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Công ty CP Vĩnh Hoàn giảm mạnh so với cùng kỳ, chỉ đạt 3.308 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận sau thuế đạt 367,5 tỷ, giảm hơn 49,5% so cùng kỳ. Chiến lược trong năm 2020 của Vĩnh Hoàn là tiếp tục đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị.
Kỳ vọng những tháng cuối năm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, điều này cũng là một trong những nguyên nhân lớn tác động tới hoạt động XNK cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tính tới đầu tháng 7/2020, giá trị XK cá tra Việt Nam giảm 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị XK cá tra sang hầu hết nhiều thị trường lớn trong top 10 thị trường lớn hàng đầu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, ngoại trừ thị trường Singapore và Anh. Đây là hai thị trường XK hiếm hoi trong top 10 thị trường lớn vẫn giữ được mức tăng trưởng dương sau đại dịch Covid-19.
Với sự nỗ lực duy trì sản xuất, các DN cá tra kỳ vọng sẽ có những khởi sắc trong nửa cuối năm. Theo ông Ong Hàn Văn, trong thời gian qua, cá tra tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc chủ yếu được đưa vào hệ thống nhà hàng. Sắp tới, các DN cá tra sẽ phối hợp xây dựng chương trình quảng bá cá tra trên đài truyền hình quốc gia Trung Quốc, hy vọng người tiêu dùng nước này sẽ tiếp tục đón nhận sản phẩm cá tra. Tuy nhiên, thị trường Mỹ xu hướng tiêu thụ ngược lại, đó là cá tra lại được bán nhiều tại các siêu thị phục vụ người dân hơn trong hệ thống nhà hàng. Thế nhưng, công tác xúc tiến thương mại đối với mặt hàng cá tra tại các thị trường này còn hạn chế, người dân Mỹ quen với hình ảnh con cá rô phi (một tên gọi khác của cá tra) Trung Quốc và Brazil, mặc dù mức thuế đối với loại cá này của Trung Quốc và Brazil nhập khẩu vào Mỹ khá cao.
Đồng quan điểm trên, bà Trương Thị Lệ Khanh cho rằng, cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ sụt giảm gần 25% trong 6 tháng đầu năm nay. Nhưng thị trường Mỹ với chính sách mở cửa nền kinh tế, chuỗi nhà hàng cũng đã khôi phục, các nhà cung cấp cá tra Việt Nam có thể tin rằng kim ngạch các tháng cuối năm sẽ dần ổn định.
Để tận dụng lợi thế thị trường, ngoài việc tăng cường xúc tiến thương mại đối với mặt hàng cá tra, Việt Nam cũng cần tìm cái tên thích hợp cho sản phẩm cá tra để quảng bá tại các thị trường tiềm năng. “Chúng ta đã để con cá tra tự bơi giữa các cơn sóng thần. Khi bị tẩy chay hoặc bị tấn công bằng các rào cản ở nước nhập khẩu, chúng ta đều thụ động hoặc không phản ứng kịp thời. Đã đến lúc chúng ta cần kết hợp với các nhà nhập khẩu ngoài xây dựng lại thương hiệu, cần có các hoạt động truyền thông bài bản và dài hơi cho con cá tra, giúp người tiêu dùng nhận diện cá tra Việt Nam giữa hàng nghìn sản phẩm bày bán ở siêu thị để ưu tiên lựa chọn không chỉ cho mùa dịch mà cả cho đời sống thường nhật" - bà Khanh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo