Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đào tạo lao động phù hợp công nghiệp 4.0

DNVN - Để nâng cao năng lực cho người lao động, bà Nguyễn Thu Giang, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng khuyến nghị doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và lộ trình phân bổ nguồn lực đào tạo lao động phù hợp với CN 4.0.

Doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao / Thị trường lao động “khát” nhân lực sản xuất và thương mại điện tử

Công nghiệp (CN) 4.0 đã và đang tạo ra những cơ hội mới đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia phát triển và các nước đang bước vào CN 4.0 như Việt Nam xét từ góc độ sẵn sàng, khả năng hội nhập và thích ứng của lực lượng lao động.
Để hoàn thành tốt mục tiêu của chiến lược quốc gia về nâng cao năng lực người lao động cho CN 4.0, các sáng kiến hợp tác đa phương nhằm hỗ trợ lực lượng lao động đáp ứng các yêu cầu nâng cao năng lực trong môi trường doanh nghiệp (DN) cũng như ngoài xã hội có ý nghĩa quan trọng.
Nghiên cứu của Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng về sự tham gia của DN trong việc nâng cao năng lực lao động phục vụ CN 4.0 được bà Nguyễn Thu Giang chia sẻ tại Diễn đàn đa phương 2021 “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” vừa diễn ra cho thấy: Hiện có 80% DN biết đến các công nghệ đặc thù cho CN 4.0, nhưng chỉ có 45%- 60% DN quan tâm đến các công nghệ đặc thù cho CN 4.0 và 20% DN đang sử dụng các công nghệ đặc thù CN 4.0. Đây là một khoảng cách lớn làm thiếu hụt người lao động kỹ thuật chuyên môn đáp ứng nhu cầu CN 4.0.
Trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động, DN chủ yếu đào tạo nâng cao hay đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng, ít đào tạo kỹ năng mới và nhất là kỹ năng chuyên biệt cho CN 4.0.
Nguồn: Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng.

Qua kết quả nghiên cứu của Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), bà Giang chỉ rõ: Hiện có 3/4 DN tự tổ chức đào tạo, 1/5 DN đào tạo lao động thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bên ngoài và có tới 60% DN chưa liên kết hợp tác với các đơn vị cùng lĩnh vực kinh doanh hoặc cùng chuỗi cung ứng trong đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động.
Dù hiểu rõ lợi ích của đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động nhưng DN còn gặp nhiều rào cản liên quan đến thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích; thiếu cơ chế hợp tác lâu dài với các cơ sở đào tạo; sự chồng chéo của nhiều cơ quan quản lý và sự thiếu tin tưởng vào năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Cùng với đó, DN gặp khó về chi phí đầu tư cho đào tạo cao; thiếu chuyên gia/nhân lực có khả năng tham gia vào quá trình đào tạo và thiếu máy móc, công nghệ đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Để giúp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động trong DN, đặc biệt là giúp các nhóm kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội, thúc đẩy và bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế, các nhóm lao động khu vực phi chính thức, lao động nhập cư.., theo Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), sự tham gia của các tổ chức xã hội đóng vai trò rất quan trọng.
Trong mỗi quốc gia, cấu trúc xã hội bao gồm 3 thành phần chính là Nhà nước pháp quyền – kinh tế thị trường và tổ chức xã hội. Đó là một “tam giác phát triển” mà mỗi đỉnh của nó đều có vai trò và vị trí nhất định, gắn bó biện chứng với nhau. Vì vậy, giải quyết mối quan hệ giữa 3 đỉnh “tam giác phát triển” này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Vai trò và sự hiện diện của các tổ chức xã hội sẽ góp phần bảo đảm sự công bằng - bình đẳng và đa dạng trong cách tiếp cận cũng như quá trình thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới tại Việt Nam.
Để nâng cao năng lực cho người lao động, nghiên cứu của Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng khuyến nghị Nhà nước cần xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng CN 4.0; xác định những ngành chiến lược ưu tiên trong CN 4.0 để có kế hoạch đầu tư, đào tạo nghề gắn liền với việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phân bổ nguồn lực đào tạo lao động phù hợp công nghệ 4.0

Đồng thời, có chính sách thúc đẩy đào tạo theo chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ kèm với đào tạo nguồn nhân lực sử dụng công nghệ; đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong đào tạo, chuyển giao các dịch vụ công sang cho các tổ chức xã hội đủ năng lực; có chính sách hỗ trợ các tổ chức này cung cấp dịch vụ nâng cao năng lực cho người lao động nhóm kỹ năng mềm (kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội và hành vi).
Các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê nhu cầu lao động trong các ngành, dự báo về xu hướng phát triển của thị trường lao động và kỹ năng cần đào tạo; thúc đẩy hợp tác đa phương tối ưu hóa nguồn lực và khớp nối cung cầu giữa Nhà nước - DN - nhà tài trợ - nhà đầu tư - tổ chức xã hội- khu vực đào tạo chuyên nghiệp.
Đối với DN, bà Nguyễn Thu Giang nhấn mạnh: DN cần xây dựng chiến lược và lộ trình phân bổ nguồn lực cho đào tạo lao động phù hợp CN 4.0. Thường xuyên cập nhật thông tin để thay đổi nhận thức về ích lợi có được từ liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội đáp ứng được yêu cầu, thành lập các bộ phận chuyên trách về đào tạo.
Đặc biệt, các DN lớn cần phát huy vai trò của dẫn dắt, thúc đẩy việc hợp tác trong đào tạo lao động giữa các bên. Cùng với đó, DN thử nghiệm phương thức đào tạo mới, ứng dụng công nghệ trong năng lực cho người lao động thông qua việc dạy học trực tuyến, dạy học qua App, qua các nền tảng đa phương tiện để thích ứng với bối cảnh.
Đối với các tổ chức xã hội, nên ưu tiên các kỹ năng mềm; tập trung vào nhóm đối tượng người lao động yếu thế; thử nghiệm phương thức đào tạo mới, ứng dụng công nghệ và tăng cường khả năng liên kết, hợp tác, phối hợp với các cơ quan nhà nước, DN, cơ sở đào tạo.
Một yêu cầu không kém phần quan trọng đặt ra với các cơ sở đào tạo và đối với người lao động là cần nâng cao năng lực, thiết kế, đổi mới chương trình đào tạo kỹ năng nghề, cập nhật các chuẩn quốc tế về đào tạo nghề, các phương pháp đào tạo nghề trong CN 4.0.
Cơ sở đào tạo cần tăng cường trao đổi thông tin với DN để nắm bắt nhu cầu và cung cấp dịch vụ. Thành lập bộ phận chuyên trách kết nối DN, thúc đẩy DN tham gia sâu vào quá trình đào tạo từ khâu thiết kế chương trình đến đánh giá kết quả đào tạo.
Hơn lúc nào hết, người lao động cần tăng cường tiếp cận thông tin chủ động, từ đó thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của các kỹ năng trong CN 4.0 và lộ trình chuyển đổi/nâng cao năng lực phù hợp với nhu cầu cũng như tiềm năng của bản thân. Tự hoàn thiện và tìm kiếm hỗ trợ hoàn thiện bản thân đáp ứng CN 4.0.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm