Doanh nghiệp kiến nghị gỡ ‘nút thắt’ trong đầu tư điện mặt trời mái nhà
Hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ / Yên Bái: Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu quế
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu.
Một trong những nội dung của dự thảo thu hút sự quan tâm và ý kiến khác nhau của giới chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân là cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư thừa của điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia. Nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Là đơn vị chuyên đầu tư và lắp đặt các dự án điện mặt trời, ông Phạm Đặng An – Phó Tổng giám đốc Công ty Vũ Phong đánh giá cao tinh thần cầu thị của Bộ Công Thương, bởi việc chuyển dịch năng lượng không hề đơn giản, đặc biệt với năng lượng tái tạo (NLTT) có đặc trưng là không ổn định. Do đó, cần có nguồn năng lượng nền đủ ổn định để có thể phát triển NLTT.
Cùng với đó, Việt Nam có cam kết giảm và thậm chí là không xây thêm các nhà máy nhiệt điện mới theo từng giai đoạn.
Trong câu chuyện này, ông An cho rằng, phải vừa thoả mãn được bài toán kỹ thuật vừa phải đáp ứng được tầm nhìn dài hạn. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần làm sao để đưa ra được chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, tăng khả năng cạnh tranh của chính các doanh nghiệp Việt Nam hoặc các nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây cũng là bài toán thách thức.
"Những khách hàng sử dụng nhiều điện nhất là các đơn vị sản xuất. Làm sao để hài hoà được lợi ích, làm sao phải gỡ được nút thắt về chi phí đầu tư ban đầu vào hệ thống NLTT của các đơn vị sản xuất.
Tôi tin rằng, đây là bước ngoặt quan trọng bởi vì hiện tại trong bối cảnh kinh tế đang gặp rất nhiều thách thức, các DN đang phải tập trung rất sâu vào ngành nghề kinh doanh lõi của họ. Chi phí ban đầu khi đầu tư vào một hệ thống ĐMTMN cực kỳ lớn, cần phải gỡ được nút thắt này", Phó Tổng giám đốc Công ty Vũ Phong nêu.
Việc có phát lên lưới hay bán lại điện cho EVN, theo ông An, đối với những đơn vị sử dụng điện nhiều, những đơn vị có nhu cầu chuyển dịch năng lượng xanh, họ không có nhu cầu bán lại điện. Đây không phải là nhu cầu quan trọng, là nhu cầu hàng đầu, mà nhu cầu của họ bây giờ là làm sao doanh nghiệp có năng lượng xanh để có đơn hàng.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Mai – Chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, nếu ĐMTMN lắp đặt trên quy mô ở các nhà xưởng công nghiệp thì việc bán lên lưới hay bán với giá 0 đồng không phải là vấn đề lớn.
Lý do là khi họ đã sử dụng nguồn điện NLTT với đúng mục tiêu sản xuất xanh thì đây là ưu tiên hàng đầu của họ. Và nếu có dư để bán lại lên lưới với giá 0 đồng thì đây như một sự đóng góp chung vào cộng đồng cho lợi ích chung của hệ thống điện Việt Nam.
Và khi họ đã đạt được mục tiêu lớn rồi thì việc đóng góp trở lại với cái chung không phải là câu hỏi lớn dành cho các nhà sản xuất công nghiệp trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, theo bà Mai, đây lại là câu hỏi, là mối quan tâm của những hệ thống ĐMTMN ở quy mô nhỏ hoặc quy mô gia đình. Rõ ràng hiệu suất sử dụng không cao và đầu tư lại khá lớn, họ sẽ kỳ vọng việc bán và thu được môt phần để bù đắp cho số tiền đầu tư ban đầu.
Ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị đại diện cho cả doanh nghiệp nhỏ và lớn cho biết, bên cạnh những lợi ích lớn của ĐMTMN, phải thừa nhận rằng điện mặt trời rất khó để kiểm soát việc lên hay xuống lúc nào, một đám mây đi qua cũng có thể khiến cho cả một khu vực điện mặt trời sụt, không phát điện được. Như vậy, rất khó cho công tác điều độ cũng như lưới điện trước sự biến đổi này.
Trước đây, khi tổng các nguồn điện tái tạo của Việt Nam chưa nhiều thì tác động tiêu cực chưa lớn. Việc phát triển nguồn điện này là hoàn toàn phù hợp và chính sách giá FIT rất phù hợp.
Nhưng vào thời điểm nếu nguồn điện tái tạo quá lớn, thậm chí tổng công suất của nguồn điện tái tạo vào thời điểm cao nhất có thể vượt quá nhu cầu và khả năng chịu của lưới thì rõ ràng khi đó không ai muốn mua, thậm chí phải chặn không cho phát lên lưới. Ở đây cần có sự cân bằng.
Giá điện cũng sẽ phản ánh vấn đề đó. Trong trường hợp lợi ích lớn hơn chi phí thì việc khuyến khích bằng mức giá dương là phù hợp. Nhưng nếu chi phí và tác động tiêu cực lớn hơn tác động tiêu cực thì 0 đồng và thậm chí là có cả giá âm cho những trường hợp như vậy. Như vậy, giá sẽ biến đổi theo việc cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc phát triển ĐMTMN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo