Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động còn manh mún

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp. Cùng với đó, tiềm lực tài chính còn yếu, với khoảng 80% doanh nghiệp thành lập có vốn điều lệ vài tỷ đồng.

VinFast - Công ty sản xuất ô tô quy mô hoàn thiện đầu tiên của Việt Nam / Đồng Nai: 52 doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn

Vốn điều lệ của các doanh nghiệp logistics còn thấp

Logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, ngành logistics của Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh hơn tốc độ tăng GDP, đạt khoảng 16 - 20% với quy mô khoảng 20 - 22 tỷ USD/năm. Và Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp ngành logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia tích cực vào thị trường.
Mặc dù vậy, ngành logistics hiện vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), mặc dù các khâu riêng lẻ như kho bãi, thông quan doanh nghiệp Việt Nam làm được, nhưng để kết nối lại thành một chuỗi thì không thực hiện được, trong khi các doanh nghiệp sản xuất chỉ muốn thuê các công ty làm được tất cả dịch vụ để tránh phải thuê nhiều khâu.
Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, phần lớn chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ, ít giá trị gia tăng hay gia công cho các công ty nước ngoài.
Cũng theo CIEM, tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu (80% doanh nghiệp thành lập có vốn điều lệ vài tỷ đồng), tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu, yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên gia logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Bằng chứng, trong số các doanh nghiệp logistics, 72% trong số này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (quy mô vốn từ 4 - 6 tỷ đồng). Số lượng lao động bình quân tại doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ khoảng 30 - 40 người và các doanh nghiệp lớn có từ 100 lao động trở lên. Trong đó, chỉ khoảng 5 - 7% số lao động là có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, số còn lại xuất phát từ nhiều nguồn và 85% doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực.
VLA cho biết, có tới gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam không có tài sản và chỉ 16% đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải và 4% đầu tư vào kho bãi, cảng… còn lại phải thuê ngoài.
Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ và tin tưởng. Đây là một trong những lý do làm dịch vụ logistics của Việt Nam kém phát triển so với yêu cầu. Tỷ lệ thuê ngoài logistics còn rất thấp, khoảng 25 - 30% (trong khi đó, Trung Quốc là 63,3% (2010), Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu trên 40%.
“Chi phí logistics tại Việt Nam khá cao, chiếm 20,9% GDP (năm 2014), trong khi đó chi phí vận tải chiếm 40 - 50% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác). Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam”, CIEM cho hay.
Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Trước những khó khăn và hạn chế về kinh doanh trong phát triển ngành logistics Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để nâng cao hiệu quả của ngành, việc cải cách các quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức quản lý của các cơ quan Nhà nước, đẩy mạnh áp dụng Chính phủ điện tử… là hết sức cần thiết và cần được các cơ quan liên quan tập trung cải cách. Tuy nhiên, không thể không nói đến vai trò của doanh nghiệp trong quá trình này. Bởi các doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của ngành logistics và trong việc giảm chi phí logistics.
Trong bối cảnh đó, CIEM đề xuất, các cơ quan chức năng cần gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp logistics hoạt động, đổi mới, cải tiến sáng tạo các quy định cũ. Ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn nữa trong hoạt động kinh doanh như hỗ trợ về tài chính, tín dụng…
Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, thực hiện đồng bộ, hiệu quả một cửa quốc gia, điện tử hóa khai hải quan, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng thương mại điện tử.
“Việc cải cách thủ tục hải quan theo hướng tinh gọn sẽ tạo bước đột phá, giảm thời gian lưu hàng, lưu kho, lưu bãi, giảm thời gian làm thủ tục giấy tờ, từ đó sẽ giảm chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp logistics của Việt Nam. Để làm được như vậy, hải quan Việt Nam cần triển khai tốt hoạt động thông quan hàng hóa điện tử, thiết lập hệ thống kiểm tra sau thông quan trên toàn quốc và phối hợp, triển khai, thực hiện ban hành danh mục thuế, cách thức thu thuế điện tử thuận lợi cho doanh nghiệp”, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất.
Theo vnmedia.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm