Doanh nghiệp 'ngồi trên đống lửa' chờ giãn, giảm thuế
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp
Là doanh nghiệp (DN) liên kết với nhiều HTX nông nghiệp để lo đầu ra cho nông sản, bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (Đồng Nai), cho biết công ty không thoát khỏi khó khăn chung như các DN khác từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều mà DN mong muốn trong lúc này là giãn thời gian đóng thuế.
Nên giãn thời gian đóng thuế
“Hiện tại, ngoài việc hàng hoá nông sản không xuất được theo đường cửa khẩu sang Trung Quốc như dự kiến trước Tết và áp lực chi phí nhân công, tôi mong có chính sách chậm thời gian nộp thuế áp dụng cho năm 2019 vừa rồi”, bà Nhung nói.
Còn theo bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Phó giám đốc Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển bền vững (SLDT), việc chính sách thuế như thế nào trong lúc nhiều DN đang chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 là mối quan tâm lớn của giới DN.
Nhất là khi tuy chưa hết quý I/2020, nhưng số liệu thống kê cho thấy cả nước đã có 322 DN tạm ngừng hoạt động, 553 DN giảm quy mô, thu hẹp sản xuất. Qua đó có thể thấy tình hình kinh doanh thật sự khó khăn, từ đó dẫn đến việc áp lực về đủ các loại thuế là rất lớn, đặc biệt là với những DN tiềm lực không đủ mạnh, sử dụng vốn vay là chủ yếu, hoặc với những DN mà hoạt động kinh doanh phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Theo bà Nương, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có động thái điều chỉnh chính sách thuế từ sức ảnh hưởng của dịch bệnh, nên Việt Nam cũng không nên là ngoại lệ. Nhất là cần miễn, giảm tiền thuê đất của Nhà nước cho DN, cũng như có chính sách hỗ trợ thuế đặc biệt theo kiểu tác động chuỗi như chuỗi cung ứng, hỗ trợ giải cứu nông sản và các mặt hàng khác đang gặp khó khăn.
Phó giám đốc SLDT cho biết qua tiếp xúc với nhiều DN vừa và nhỏ như đang “ngồi trên đống lửa” vào thời điểm dịch bệnh như hiện nay, thấy rằng giai đoạn khó khăn đối với họ là rất lớn, nhưng khó khăn giai đoạn hậu Covid -19 cũng sẽ không hề nhỏ.
“Chính vì vậy, rất cần có một chính sách hỗ trợ đồng bộ về thuế cho người dân và DN để kích thích hoạt động mua sắm tiêu dùng và sản xuất kinh doanh của DN nội địa được tốt hơn trong thời gian tới”, bà Nương chia sẻ.
Hiện nay, trước tình hình khó khăn của DN, vấn đề giãn, giảm thuế cũng được sở ban ngành, hiệp hội ngành nghề ở một số địa phương đề xuất. Như tại hội nghị thảo luận về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của ngành du lịch tổ chức tại Tp.HCM ngày 20/2, Sở Du lịch đã đề xuất giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (gồm: thuế thu nhập cá nhân, thuế DN, thuế giá trị gia tăng) của các DN du lịch và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý III hoặc quý IV/2020.
Ám ảnh doanh thu giảm
Ngoài ra, Sở Du lịchcòn đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn trong 2 năm 2020 – 2021 nhằm hỗ trợ khó khăn cho DN du lịch.
Hơn nữa, nên có chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế cho DN lữ hành, DN kinh doanh nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển, DN kinh doanh dịch vụ du lịch. Mặt khác, cần giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh. Đồng thời, nên có phương án miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập DN.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM, số liệu cung cấp của một số nhà hàng lớn trên địa bàn cho thấy, lượng khách giảm từ 30 - 50%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, kể cả các quán ăn nhỏ. Đối với các nhà hàng Hoa, lượng khách giảm đáng kể (khoảng 70%).
Như đánh giá sơ bộ của một số DN kinh doanh dịch vụ lữ hành lớn tại Tp.HCM, mức độ thiệt hại ước tính trong tháng 2 và đến quý I/2020 thì doanh thu giảm từ 40 - 60%. Đặc biệt, đối với các DN kinh doanh thị trường Trung Quốc thì giảm mạnh từ 70 - 80% do một số DN chuyên thị trường Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động phòng du lịch cho đến tháng 6/2020.
Ngoài mong mỏi giãn, giảm thuế trong bối cảnh hiện nay, chính sách mới về thuế thu nhập DN cũng là điều mà nhiều DN quan tâm. Trong góp ý mới đây với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) về dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý một quy định chưa phù hợp.
Chẳng hạn ở Điểm c khoản 4 Điều 18 của dự thảo có quy định về áp dụng ưu đãi thuế cho DN do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn. Theo VCCI, quy định này tại dự thảo chưa giải quyết cho trường hợp vướng mắc trên thực tế là DN đang được hưởng ưu đãi theo địa bàn nhưng có một số khoản thu nhập phát sinh ngoài địa bàn được hưởng ưu đãi (ví dụ: lãi tiền gửi tại các ngân hàng ngoài địa bàn được hưởng ưu đãi) hay DN trong địa bàn ưu đãi thuê các DN ngoài địa bàn ưu đãi gia công… thì có được áp dụng toàn bộ thu nhập là phát sinh tại địa bàn ưu đãi không?
Hoặc như Điểm b khoản 1 Điều 19 của dự thảo quy định thu nhập của DN từ lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao được hưởng thuế suất ưu đãi. Tuy nhiên, hiện chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là đầu tư mạo hiểm. Do đó, để tạo thuận lợi cho DN thì cũng cần bổ sung định nghĩa “lĩnh vực đầu tư mạo hiểm”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo