Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp thực phẩm lo quy định bổ sung i-ốt gây trở ngại lớn cho xuất khẩu

DNVN - Theo các doanh nghiệp thực phẩm, quy định “muối sử dụng trong chế biến thực phẩm phải bổ sung i-ốt” tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP gây trở ngại lớn cho hoạt động xuất khẩu. Việc áp dụng quy định này khiến doanh nghiệp phải cam kết bổ sung, tăng chi phí kiểm định và đối mặt nguy cơ mất hợp đồng...

Đẩy mạnh đưa thực phẩm Halal ra thế giới / Kêu gọi đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến sân bay Đà Nẵng đến biển Mỹ Khê

Mới đây, 5 hội và hiệp hội đại diện cho ngành thực phẩm Việt Nam đã gửi văn bản tới Bộ Y tế, Ban Soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) và các cơ quan liên quan nhằm đề nghị mở rộng nội dung khảo sát, đánh giá toàn diện tác động của chính sách quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Động thái này diễn ra sau khi nhận công văn từ Viện Chiến lược và Chính sách Y tế về việc thu thập thông tin liên quan đến chi phí phát sinh khi thực hiện quy định.

5 hiệp hội doanh nghiệp thực phẩm bao gồm: Lương thực Thực phẩm Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Thực phẩm Minh bạch, Sản xuất Nước mắm TP Phú Quốc và Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho rằng, công văn từ Viện chỉ tập trung vào yếu tố “chi phí phát sinh” mà bỏ qua các khía cạnh quan trọng khác. Họ đề nghị mở rộng khảo sát, đánh giá tác động toàn diện hơn để phản ánh đúng thực tế, qua đó xây dựng chính sách khả thi và công bằng.


5 hiệp hội doanh nghiệp thực phẩm kiến nghị loại trừ “sản phẩm thực phẩm xuất khẩu” thay vì chỉ “cơ sở thực phẩm xuất khẩu” để phù hợp với thực tiễn.

Theo kiến nghị, một trong những vấn đề nổi cộm là quy định “muối sử dụng trong chế biến thực phẩm phải bổ sung i-ốt” gây trở ngại lớn cho hoạt động xuất khẩu. Theo Điều 42 Luật An toàn Thực phẩm 2010, hàng xuất khẩu phải tuân theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào trong hơn 160 thị trường nhập khẩu của Việt Nam yêu cầu muối i-ốt trong thực phẩm chế biến.

Việc áp dụng quy định này khiến doanh nghiệp phải cam kết bổ sung, tăng chi phí kiểm định và đối mặt nguy cơ mất hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp phải tốn thời gian và chi phí làm sạch thiết bị để tránh nhiễm chéo, ảnh hưởng đến năng suất sản xuất. Các hiệp hội kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 2, loại trừ “sản phẩm thực phẩm xuất khẩu” thay vì chỉ “cơ sở thực phẩm xuất khẩu” để phù hợp với thực tiễn.

Mặc dù được coi là giải pháp chi phí thấp nhưng các doanh nghiệp thực phẩm cho rằng, việc bổ sung vi chất đã gây gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình là Công ty Acecook Việt Nam phải chi thêm 14 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, qua quá trình chế biến và lưu thông, hàm lượng vi chất trong sản phẩm hoàn chỉnh thường bị hao hụt hoặc mất hoàn toàn, làm giảm giá trị dinh dưỡng mong muốn.

Trong bối cảnh ngành thủy sản nỗ lực duy trì vị thế trên thị trường quốc tế, việc bảo đảm nguồn cung muối tinh khiết đạt tiêu chuẩn là yếu tố sống còn. Các hiệp hội kêu gọi bổ sung nội dung này vào khảo sát để bảo vệ lợi ích xuất khẩu và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Quy định bổ sung i-ốt cũng gây nguy cơ làm mai một di sản văn hóa nước mắm truyền thống – một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Nhiều thị trường như Nhật Bản và Australia từ chối nhập khẩu nếu thành phần không giữ nguyên tính tự nhiên.

Việc áp dụng quy định bắt buộc đối với thực phẩm nội địa tạo ra sự chênh lệch cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn không chịu quy định tương tự. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Các hiệp hội nhấn mạnh, việc đánh giá toàn diện là cần thiết để bảo đảm chính sách phù hợp với thực tiễn và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thực phẩm Việt Nam. Họ đề nghị Viện Chiến lược và Chính sách Y tế bổ sung các nội dung còn thiếu vào báo cáo trình Thủ tướng, qua đó xây dựng quy định hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm