Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp thủy sản mong được vay bằng đồng nội tệ

DNVN - Với gói hỗ trợ từ ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản rất mong được ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng hướng dẫn chi tiết để DN hiểu rõ và tận dụng được cơ chế chuyển từ vay USD sang vay bằng nội tệ, với mục tiêu có thể đạt doanh số trên 10 tỷ USD trong năm nay.

Đà Nẵng: Kết nối đầu tư hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với Nhật Bản / Kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Theo bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 7 này, DN ngành thủy sản đón nhận 2 tin.
Đó là, từ ngày 1/8/2022, TP Hồ Chí Minh sẽ miễn thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển ra vào cảng bằng đường thủy nội địa theo hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy. Các loại hình hàng hoá tương tự nhưng không theo hiệp định trên sẽ được giảm 50% mức phí.
Ngoài ra, hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP hay ngoài TP Hồ Chí Minh được điều chỉnh cùng một mức phí.
Những điều chỉnh này được HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X thông qua tại nghị quyết trong kỳ họp thứ 6 ngày 7/7 vừa qua.
"Đây thực sự là tin vui cho cộng đồng DN, trong đó có nhiều DN kinh doanh xuất nhập khẩu thuỷ sản. Quyết định điều chỉnh này sẽ giảm đáng kể gánh nặng chi phí logistics cho DN xuất nhập khẩu", bà Hằng chia sẻ.
Thêm vào đó, các DN ngành thuỷ sản là những đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ với giải ngân hơn 16.000 tỷ đồng.
"Có thể nói, sau 2 năm bị "bão" COVID-19, từ chuyện nguyên liệu đến hậu cần sản xuất, chế biến và đặc biệt là logistics cho hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn và đắt đỏ gấp nhiều lần so với trước dịch. Nhiều DN vừa và nhỏ trong ngành thuỷ sản phải phá sản. Nhiều DN "chết lâm sàng". Nhiều DN vẫn cố gắng cầm cự được nhưng lợi nhuận sụt giảm, thậm chí chấp nhận lỗ", bà Hằng nhìn nhận.

Bên cạnh thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản còn gặp nhiều khó khăn về vốn.
Thời gian quan, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hỗ trợ DN. Các chính sách về vay vốn có ý nghĩa lớn với DN trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giai đoạn phục hồi này.
Nghị định 31/2022 của Chính phủ là một chính sách hỗ trợ điển hình về phạm vi, cơ chế và nguồn tín dụng cho cộng đồng DN, hợp tác xã, trong đó có ngành thuỷ sản. Chắc chắn cộng đồng DN sẽ đón nhận tích cực chính sách hỗ trợ này, nhất là khối DN trong lĩnh vực nông - thủy sản.
Tuy nhiên, có một thực tế là các DN thủy sản xuất khẩu trong thời gian qua vẫn chủ yếu vay vốn bằng đồng USD với lãi suất trung bình 3-4%. Trong khi phạm vi của Nghị định 31 là hỗ trợ lãi suất dành cho các khoản vay bằng đồng nội địa. Do đó, nhiều DN hiện tại khi nghe thông tin thì rất quan tâm nhưng lại e ngại rằng “thủy sản xuất khẩu không được hưởng lãi suất hỗ trợ đó, vì các DN sản xuất, xuất khẩu thủy sản chủ yếu vay bằng USD”.
DN cũng băn khoăn về mức lãi suất hiện tại của các ngân hàng. Chỉ khi có thông tin rõ ràng về lãi suất, DN mới có lựa chọn và quyết định, để chuyển sang vay Việt Nam đồng.
"Năm 2022 là thời điểm để các DN nỗ lực vượt qua khó khăn về lạm phát, phục hồi sản xuất, xuất khẩu khi có được cơ hội thị trường thuận lợi. Hết 6 tháng đầu năm doanh số thuỷ sản đã thu về 5,7 tỷ USD. Nếu ngành thuỷ sản xuất khẩu thuận buồm xuôi gió về mặt nguyên liệu cùng với sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả thì chắc chắn sẽ thu về trên 10 tỷ USD ngoại tệ trong năm nay. Vì vậy, DN ngành thủy sản rất mong được Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng truyền thông và hướng dẫn chi tiết cho DN để DN hiểu rõ và tận dụng được cơ chế này", bà Hằng nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm