Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp tiết kiệm hơn 881 tỷ đồng/năm nhờ 'cởi trói' kiểm tra chuyên ngành

Việc cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 881 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 38 triệu USD mỗi năm và ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD/năm.

Top 10 thương hiệu ôtô bán chạy nhất tại Việt Nam tháng 8/2020 / Mỹ nới lỏng "vòng kim cô" cho Huawei

Kiem-tra-chuyen-nganh-8710-1600960446.jp

Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng Đề án kiểm tra chuyên ngành mới lên đến 399 triệu USD/năm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 31/12/2019, vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.

Đáng lưu ý, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện lô hàng hoá không đáp ứng chất lượng qua các năm rất thấp, chỉ từ 0,3-0,03%; Còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan đánh giá: "Với những tồn tại, bất cập hiện nay, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hoá mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể, từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới".

Do vậy, với vai trò cơ quan được Chính phủ giao soạn thảo Đề án, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp các hiệp hội, bộ ngành, doanh nghiệp, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia, phù hợp điều kiện Việt Nam để xây dựng Đề án: “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Đề án nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết thêm, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) tài trợ đã thực hiện đánh giá tác động của Đề án. Theo số liệu ước tính, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 86.166 tờ khai (khoảng 54,4%) (giảm từ 158.424 tờ khai (số liệu tờ khai của năm 2019) xuống còn 72.258 tờ khai).

Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với Mô hình hiện tại trong một năm là 2.484.038 ngày (giảm từ 3.965.394 ngày xuống còn 1.481.356 ngày).

Do đó, chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng, tương đường 37,8 triệu USD.

Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD/năm với giả định thời gian kiểm tra chuyên ngành 5 ngày, chi phí kiểm tra chuyên ngành chiếm 2,1% trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Dự kiến, đề án sẽ thực hiện theo hai giai đoạn. Thứ nhất là từ năm 2020 đến năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở triển khai thực hiện đề án; đánh giá, tổng kết việc thực hiện đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn 2.

 

Từ năm 2023 đến năm 2026, rà soát, sửa đổi bổ sung các luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm