Doanh nghiệp trông đợi tiếp tục cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành
DNVN - Theo khảo sát của VCCI, số đông doanh nghiệp (DN) hài lòng với cơ chế một cửa quốc gia (MCQG) và cải cách trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Tuy vậy, điều cộng đồng DN trông đợi nhất là tiếp tục cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN, qua đó tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Lâm Đồng: Huyện Lạc Dương “bắt tay” thành phố Yachiyo Nhật Bản phát huy thế mạnh nông nghiệp, du lịch / Co.opmart Huế tri ân khách hàng liên tục trong 14 ngày
Cải thiện tích cực
Báo cáo khảo sát của VCCI về mức độ hài lòng của DN với cơ chế một cửa quốc gia (MCQG) và cải cách trong kiểm tra chuyên ngành (KTCN), công bố ngày 3/11 cho thấy, số đông các DN cho biết Cổng thông tin MCQG được vận hành tương đối tốt. Quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên cổng thuận lợi hơn. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua cổng đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các DN. Các DN cũng quan sát thấy những chuyển biến tích cực tương tự trong lĩnh vực quản lý, KTCN.
Ông Phạm Ngọc Thạch - đại diện nhóm nghiên cứu công bố báo cáo, Phó Trưởng Ban pháp chế VCCI - cho biết kết quả mức độ hài lòng của DN năm 2022 được khảo sát, điều tra, ghi nhận ý kiến từ 3.048 doanh nghiệp. Từ 249 thủ tục trên Cổng thông tin MCQG, nhóm nghiên cứu chọn 12 thủ tục hành chính có số lượng tờ khai lớn nhất để khảo sát, đánh giá.
Kết quả khảo sát cho thấy, khi DN thực hiện các thủ tục qua cơ chế một cửa quốc gia sẽ giảm đáng kể về thời gian, chi phí so với phương thức truyền thống là nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban pháp chế VCCI.
Cụ thể, thủ tục cấp xuất xứ C/O giảm thời gian thực hiện 10 giờ, chi phí giảm hơn 660 ngàn đồng; thủ tục nhập khẩu tiền chất công nghiệp giảm thời gian thực hiện 22 giờ, chi phí giảm hơn 730.000 đồng; thủ tục nhập khẩu xe cơ giới giảm thời gian thực hiện 17 giờ, chi phí giảm hơn 700.000 đồng.
Tương tự, thời gian kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu giảm 11 giờ, chi phí giảm 533.000 đồng; thời gian thực hiện thủ tục tàu biển xuất cảnh giảm 5 giờ, chi phí giảm gần 3,9 triệu đồng...
Ông Lương Khánh Thiết - Phó Vụ trưởng, Phó trưởng ban phụ trách Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan (Tổng cục Hải quan) thông tin, tính đến ngày 17/10/2022, Cổng thông tin MCQG đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn DN.
Còn nhiều dư địa tiếp tục cải cách
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia cũng như các DN và hiệp hội, ngành hàng, vẫn còn nhiều dư địa để cơ quan quản lý tiếp tục cải cách, hoàn thiện thủ tục liên quan đến cơ chế MCQG cũng như trong hoạt động quản lý, KTCN.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, báo cáo đã nhiều lần nhắc tới cụm từ "còn dư địa" để tiếp tục cải cách.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, các con số nằm ở mức trung bình từ 40 - 60% chiếm chủ yếu, rất ít con số lên tới 70%. Khi đánh giá về mức độ dễ và tương đối dễ thì dường như không có con số vượt 70%, cao nhất mới đạt 68 - 69%. Tỷ lệ DN đánh giá dễ và tương đối dễ khi thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin MCQG ở mức khiêm tốn. Thậm chí, có tới 59% DN trả lời gặp khó ở ít nhất 1 thủ tục, quy trình nào đó trên cổng thông tin này.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP.
"Điều này cho tôi cảm nhận, rất nhiều cải cách, nỗ lực của chúng ta đã được ghi nhận và dù VCCI đã chọn mẫu 12 thủ tục sôi động nhất trên môi trường điện tử nhưng cuối cùng kết quả chỉ dừng ở mức trung bình. Dưới góc độ đại diện cộng đồng DN, chúng tôi rất trông đợi vào quá trình chuyển đổi liên quan đến thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành", ông Nguyễn Hoài Nam đánh giá.
Về danh mục hàng hóa phải KTCN, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, báo cáo chưa đánh giá sâu vào nội hàm này trong khi có nội hàm này mới thay đổi được căn bản về KTCN.
Báo cáo cho thấy vẫn còn tình trạng chồng chéo, 2 bộ cùng kiểm tra 1 mặt hàng cho dù đã hoạt động trên môi trường điện ttử.
Trong khi đó, trên thực tế danh mục hàng hóa phải KTCN là câu chuyện "đau đầu" với cộng đồng DN từ khi có Nghị quyết 19 đến nay.
"Nếu giữ nguyên danh mục hàng hóa phải KTCN, chỉ giảm thời gian làm thủ tục bằng việc dựa trên công nghệ thông tin và chuyển đổi số, điều này giống như chúng ta cắt bớt mấy sợi tóc trên đầu còn trọng lượng cơ thể 80kg vẫn không thay đổi. Việc cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN mới là điều cộng đồng DN trông đợi nhất", ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), người gắn bó nhiều năm về thủ tục hải quan cũng như quản lý, KTCN cho biết, theo khảo sát của VCCI, đã có sự cải thiện tích cực về giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục trên Cổng thông tin MCQG so với kỳ điều tra năm 2019. Đồng thời nếu so với hình thức thủ tục hành chính thủ công thì lẽ ra đương nhiên thời gian và chi phí phải giảm đi.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).
"Tuy nhiên, trong kết quả nghiên cứu khảo sát của VCCI vẫn cho thấy, thậm chí trong một số thủ tục chi phí và thời gian chưa giảm. Điều đó đặt ra vấn đề chúng ta đang làm thủ tục trực tuyến nhưng chưa được hoàn thiện. Đại diện nhóm nghiên cứu nhận định vẫn còn nhiều dư địa để cải cách nhưng tôi thì cho rằng còn rất nhiều dư địa cho việc cải thiện lĩnh vực này", bà Nguyễn Minh Thảo nói.
Về cải cách và cảm nhận của DN về thủ tục quản lý và KTCN từ 2015 đến nay đã có sự thay đổi ngoạn mục. Tuy nhiên, những thay đổi chủ yếu được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2019. Còn từ 2020 đến nay dường như có sự chững lại rất lớn trong hoạt động cải cách.
Cũng theo chuyên gia này, thời gian qua, Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều đến cắt giảm danh mục mặt hàng phải KTCN. Nhưng từ năm 2020 đến nay, hầu như không có sự thay đổi nào, ngoại trừ vấn đề kiểm dịch động vật.
"Hải quan có cố gắng, nỗ lực bao nhiêu mà trong lĩnh vực KTCN không có sự thay đổi thì sẽ làm giảm bớt đi tác động của cải cách trong các cơ quan liên đới", chuyên gia nhìn nhận.
Cần chú trọng đơn giản hóa quy trình KTCN
Từ những tồn tại trên, đại diện nhóm nghiên cứu cũng như chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin MCQG và hoạt động KTCN.
Với hoạt động của Cổng thông tin MCQG, DN kiến nghị cần minh bạch thông tin, hỗ trợ DN khắc phục vướng mắc và biết sử dụng hiệu quả Cổng thông tin MCQG. Tiếp tục rà soát quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về KTCN, DN cho rằng cần cải thiện chất lượng cung cấp thông tin và tháo gỡ vướng mắc cho các DN. Các bộ, ngành cần chú trọng đơn giản hóa các khâu quy trình KTCN. Trong đó, các bộ, ngành cần tập trung giảm bớt các phiền hà trong hoạt động "lấy mẫu kiểm tra". Cần phải giảm chồng chéo trong KTCN.
Các phương thức kiểm tra giảm cần được tiến hành nhiều hơn thay vì các phương thức kiểm tra chặt hoặc thông thường nếu như DN có hàng hóa giống hệt về mẫu mã và kết quả KTCN những lần trước đó đạt yêu cầu.
Ngoài ra, cộng đồng DN đề nghị giảm tình trạng trả chi phí ngoài quy định, đồng thời tăng cường triển khai MCQG để giảm các chi phí tuân thủ cho DN.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo