Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp tư nhân 'hụt hơi', cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ

DNVN - Niềm tin kinh doanh đang dần phục hồi nhưng nhiều thách thức vẫn đè nặng, đặc biệt với khu vực tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân cần được hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua khó khăn, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.

Đổi mới sáng tạo: Chính sách nhiều nhưng trống vắng giải pháp cụ thể / Đà Nẵng: Nâng cao năng lực marketing trong hoạt động kinh doanh khách sạn

Gần 70% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình doanh nghiệp (DN) 6 tháng đầu năm và triển vọng kinh doanh cho nửa cuối năm 2024 đến đầu năm 2025. Cuộc khảo sát do Ban IV phối hợp với báo điện tử VnExpress thực hiện, nhằm nắm bắt thực trạng và tâm lý DN trước các biến động kinh tế trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo, kết quả khảo sát lần này cho thấy bối cảnh tích cực hơn nhiều so với các kỳ khảo sát trước. Tỷ lệ DN đánh giá tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô và ngành đều tăng mạnh. Đặc biệt, số DN dự kiến mở rộng quy mô tăng gấp 2,5 lần so với khảo sát tháng 4/2023, cho thấy niềm tin kinh doanh đang dần phục hồi.

Tuy nhiên, bức tranh chưa hoàn toàn sáng sủa. Dù tình hình cải thiện, 60% DN vẫn đánh giá tiêu cực về tình hình kinh tế hiện tại, trong đó khu vực kinh tế tư nhân thể hiện rõ sự “hụt hơi” so với các khu vực khác. Tỷ lệ DN tư nhân đánh giá tiêu cực về tình hình hiện tại lên tới 42%, cao hơn so với DN nhà nước và DN FDI. Điều này cho thấy sự phục hồi của khối tư nhân diễn ra chậm và kém bền vững.


Theo Ban IV, 60% DN vẫn đánh giá tiêu cực về tình hình kinh tế hiện tại, trong đó khu vực kinh tế tư nhân thể hiện rõ sự “hụt hơi” so với các khu vực khác. (Ảnh: Báo ĐĐK).

Dù các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm thuế, giảm tiền thuê đất, cơ cấu nợ đã phát huy tác dụng, DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các thách thức bao gồm thiếu đơn hàng (56,1%), nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (47%) và thủ tục hành chính (44,4%).

Đặc biệt, có tới 68,5% DN dự kiến giảm quy mô hoặc tạm ngừng kinh doanh trong 12 tháng tới. Tỷ lệ này cho thấy sức mạnh nội tại của DN đã bị bào mòn nghiêm trọng sau giai đoạn COVID-19 và lạm phát kéo dài.

Đáng chú ý, khảo sát này được tiến hành vào đầu tháng 7/2024 - thời điểm trước khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ và hoàn lưu bão tác động tới hơn 20 tỉnh thành miền Bắc, kéo theo những thiệt hại nặng nề cho người dân và DN.

Cần chính sách ‘vun bồi nội lực’

Trước bối cảnh này, Ban IV nhấn mạnh rằng việc "vun bồi nội lực" cho DN, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, là yêu cầu cấp bách. Đây là khu vực đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao năng suất lao động và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, không chỉ tập trung vào DN lớn mà còn cần tạo môi trường thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa vươn lên. Chính sách “đặt hàng” cho DN tư nhân, khuyến khích liên kết chuỗi giá trị nội địa, và đảm bảo công bằng giữa các khu vực DN là những giải pháp được kỳ vọng.

Bên cạnh việc nâng cao sức cạnh tranh của DN, Ban IV cho rằng, việc phát triển bền vững và xanh hóa nền kinh tế là hướng đi không thể thiếu. Các cơ hội như phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất hydro xanh, và trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những bước đột phá cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu chuyển dịch.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm