Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp ‘vượt bão’ nhờ quản trị tốt

Gặp khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 là dịp để doanh nghiệp Việt nhận rõ tại sao quản trị công ty tốt, lường trước rủi ro có thể giúp họ “vượt bão” và sớm hồi phục, trở lại đường băng tăng trưởng.

"Chưa bao giờ XNK tất cả các mặt hàng dệt may đều tăng trưởng âm như 4 tháng năm 2020" / Doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 giảm gần 50%

Với doanh thu thuần quý I/2020 chỉ đạt 81% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 40% so với cùng kỳ năm trước, CTCP Tập đoàn PAN cho biết tình hình sản xuất kinh doanh dự kiến sẽ hồi phục dần đến cuối năm nay khi dịch Covid-19 giảm bớt và lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm bước vào các vụ kinh doanh chính.

Nâng sức chống chịu

Tập hợp những công ty con đều là những doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, để thoát thế khó trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 đối với tập đoàn này là không hề đơn giản.

Tuy nhiên, nhờ lên nhiều kịch bản ứng phó, có chuỗi giá trị vững chắc, đã giúp Tập đoàn PAN chỉ chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh ở mức độ tương đối nếu so với tình trạng bi đát của nhiều DN lớn trên thị trường.

Điều này có thể nhìn từ số liệu của Tổng cục Thống kê, trước khó khăn kép từ thời tiết bất thường và dịch Covid-19, trong quý I/2020, ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm 1,17% trong khi ngành thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng tương đương 1/2 cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, với lợi thế cung cấp sản phẩm đa dạng cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, thị trường nước ngoài phân bố tương đối đồng đều giữa các châu lục (Nhật Bản – EU – Mỹ…), nên trong quý I/2020 mảng tôm của PAN vẫn đạt kết quả tương đương so với cùng kỳ năm trước, trong khi mảng nước mắm tăng trưởng khả quan (lợi nhuậntăng 11%).

Thậm chí, nhờ tiếp tục mở rộng thị trường mảng hạt điều thương hiệu sang Nhật Bản giúp cho PAN có lợi nhuận mảng này tăng nhẹ, đồng thời phát triển thêm sản phẩm hoa quả sấy. Ngoài ra, việc chủ động được nguồn cung nhờ chuỗi giá trị khép kín giúp sản xuất kinh doanh của công ty tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng không đình trệ.

Nhìn từ sức chống chịu “vượt bão” của DN này, giới chuyên gia cho rằng quản trị công ty tốt có thể là yếu tố quan trọng để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, giảm thiểu ở mức thấp nhất những tác động tiêu cực.

Nhất là khi các các cú sốc bên ngoài của kinh tế vĩ mô ngày càng nhiều (như đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Brexit, mức độ áp dụng công nghệ trong sản xuất chưa cao...) đã và đang đưa ra các thách thức rất lớn cho các DN Việt để trả lời câu hỏi: Làm sao có thể vượt qua khủng hoảng và trở lại đường băng tăng trưởng?

Nếu nhìn từ lăng kính nội tại của nhiều DN ở Việt Nam từ đại dịch Covid-19, có thể thấy khá nhiều vấn đề nổi cộm trong vấn đề quản trị rủi ro. Đơn cử như việc quản lý rủi ro không được xem trọng, không được tích hợp vào trong quá trình sản xuất kinh doanh của DN.

Sự thờ ơ một cách vô ý của các DN nội địa dẫn đến tình trạng “rủi ro xấu – thách thức” ngày càng được tích lũy nhiều hơn, còn “rủi ro tốt – cơ hội” thì lại bị bỏ qua, dẫn đến các rủi ro được xem như các quả bom nổ chậm và chỉ khi sự cố xảy ra thì mới khiến các DN bừng tỉnh.

Quản trị công ty tốt có thể giúp DN thuỷ sản vượt qua khủng hoảng

Quản trị công ty tốt có thể giúp DN thuỷ sản vượt qua khủng hoảng

Đừng xem thường rủi ro

Thực tế, theo giới chuyên gia, trong các hoạt động quản trị kinh doanh đối với bất kỳ ngành nghề nào, từ dịch vụ tài chính đến sản xuất, thương mại và dịch vụ, thì rủi ro lớn nhất của DN là “đang tích lũy rủi ro vào nhưng mà không biết mình đang tích lũy rủi ro”.

Điều đó, nếu nhìn từ rủi ro dịch Covid-19, dẫn đến hậu quả là các DN mất tính chủ động trong việc điều tiết và quản lý rủi ro một cách thông minh. DN sẽ không biết rủi ro nào là trọng yếu và làm ảnh hưởng đến tính sống còn của DN, để từ đó có thể tập trung nguồn lực vào việc giảm thiểu, giám sát và xử lý những rủi ro này một cách hiệu quả.

Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC (thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới) phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy quản trị công ty tốt là một trong những động lực chính giúp các nền kinh tế và DN phục hồi tăng trưởng.

 

Còn theo Ts Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của Quỹ Dragon Capital, mặc dù cuộc khủng hoảng hiện nay đang gây tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, đây là dịp để DN nhận rõ tại sao quản trị công ty tốt có thể giúp DN vượt qua khủng hoảng, dựa trên kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng quốc tế như khủng hoảng tài chính hơn 2 thập kỷ trước ở Thái Lan.

Trao đổi về các giải pháp để bảo đảm DN có khả năng chống chịu, đồng thời có thể phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng Covid-19, Ts Bandid Nijathaworn, Chủ tịch Quỹ Chính sách Công và Quản trị Tốt, Cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viện Thành viên HĐQT Thái Lan, cho rằng khủng hoảng mang đến cơ hội để đánh giá lại hoặc củng cố những gì chúng ta đã có nhằm đạt được kết quả tốt hơn trong tương lai.

“Các công ty vượt qua được thử thách trong cuộc khủng hoảng lần này chính là những công ty có tài chính vững chắc, bền vững và được công chúng tin tưởng”, Ts Bandid nói.

Có thể nói, hoạt động sản xuất kinh doanh là một hành trình kéo dài qua thời gian chứ không phải là một chặng đua nước rút và việc quản trị rủi ro cũng vậy. Điều này đòi hỏi các DN Việt cần có một cái nhìn đúng đắn hơn về quản trị để vượt khủng hoảng trong thời gian tới.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm