"Chưa bao giờ XNK tất cả các mặt hàng dệt may đều tăng trưởng âm như 4 tháng năm 2020"
DNVN - Đây là nhận định của ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại Hội thảo trực tuyến “Xuất khẩu dệt may trong bối cảnh Covid-19 – Giải đáp quy định về CE và FDA" do VITAS phối hợp cùng với Bộ Công Thương Việt Nam và Chương trình vươn tới đỉnh cao của Tổ chức (IDH) tổ chức chiều 04/5/2020.
EVFTA "đánh" vào khâu yếu nào của doanh nghiệp dệt may Việt Nam? / Central Group đột ngột ngừng nhập hàng dệt may của doanh nghiệp Việt Nam
Cập nhật tác động của dịch Covid-19 tới ngành dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện, trong đó tác động lớn nhất là nguồn nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc. Từ ngày 16/3/2020, Việt Nam đã bị tác động lớn bởi cầu bị sụt giảm nghiêm trọng khi Mỹ và châu Âu đóng cửa biên giới và đóng cửa cả hệ thống bán hàng, bán lẻ nên khách hàng đã cắt, hủy đơn hàng. Do đó, DN dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thậm chí các DN đã sản xuất rồi nhưng không giao được hàng, hàng đã chuyển xuống cảng biển nhưng phải quay trở lại DN vì do không thể chịu được chi phí lưu kho quá lớn.
Những tác động này thể hiện rõ trên số liệu thống kê mới nhất tính đến tháng 4/2020 của VITAS. Cụ thể, tình hình XK của dệt may Việt Nam so với tháng 3 giảm 20% dù tháng 3 đã có mức sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 6,4 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ 2019. Giá trị thặng dư thương mại đạt 5,38 tỷ USD, giảm 3,19% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trương Văn Cẩm - (trái) phát biểu tại Hội thảo trực tuyến“Xuất khẩu dệt may trong bối cảnh Covid-19 – Giải đáp quy định về CE và FDA" chiều 04/5/2020.
"Chưa bao giờ xuất nhập khẩu tất cả các mặt hàng dệt may đều có mức tăng trưởng âm như hiện nay. Chẳng hạn, XK May mặc giảm 5,98% so với cùng kỳ, XK vải không dệt giảm 22,12%, XK nguyên phụ liệu giảm 6,02%. Trong khi đó, nhập khẩu bông giảm 7,98%, xơ sợi các loại giảm 2,45%, vải giảm 10,99%, phụ liệu dệt may giảm 5,82%", ông Cẩm chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch VITAS, trong suốt quá trình vừa qua, VITAS đã có nhiều văn bản kiến nghị lên các Bộ như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động & Thương binh xã hội; Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, theo đó đã có một số cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Vừa rồi, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách, đã có những chính sách mà DN và người dân được hưởng. Nhưng còn nhiều vướng mắc để người dân và DN được hưởng lợi thiết thực, cụ thể hơn.
Trong đại dịch này, DN ngành dệt may có những cơ hội mới phát sinh như sản xuất và xuất khẩu khẩu trang để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, vừa qua, việc XK khẩu trang của DN dệt may gặp không ít khó khăn. VITAS đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho DN XK khẩu trang thuận lợi. Kết quả là VITAS đã nhận được các văn bản chỉ đạo từ Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, một số quy định về tổng cục hải quan đã được tháo bỏ. Và mới nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 cho phép gỡ bỏ hạn chế về XK khẩu trang y tế, tạo điều kiện cho DN dệt may tận dụng thời cơ trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ Covid-19.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo