Hỗ trợ doanh nghiệp

Hành trang bắt buộc của DN xuất khẩu khẩu trang trong tiến trình hội nhập

DNVN - Doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế cần phải nắm vững những khái niệm, quy trình xin chứng nhận CE và FDA, đặc biệt phải coi đây là hành trang bắt buộc trong tiến trình hội nhập để có thể bước ra thị trường thế giới một cách chủ động, vững tin, qua đó đem lại thành công cho DN và đất nước.

DN trong nước có thể chủ động sản xuất nhiều loại khẩu trang / Doanh nghiệp dệt may sẵn sàng cung ứng 50 triệu khẩu trang/tháng

Đây là thông điệp mà ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) gửi đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) dệt may nói chung và các DN xuất khẩu khẩu trang, thiết bị y tế nói riêng tại buổi Hội thảo "Xuất khẩu dệt may trong bối cảnh Covid-19 – Giải đáp quy định về CE và FDA" diễn ra chiều 04/5. Sự kiện do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp cùng với Bộ Công Thương Việt Nam và Chương trình vươn tới đỉnh cao của Tổ chức (IDH) tổ chức theo hình thức trực tuyến và nhận được sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp dệt may.
Cơ hội xuất khẩu khẩu trang
Đánh giá những tác động nhất định của đại dịch Covid-19 đối với ngành dệt may Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho biết, thời gian vừa qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, trong đó có các DN ngành dệt may.
"Tuy nhiên, các DN của chúng ta đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, chuyển sang sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn để đáp ứng nhu cầu trong nước và chuyển sang xuất khẩu, qua đó góp phần đem lại cho thu nhập cho người lao động, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra", ông Trần Thanh Hải nói.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm cho đến ngày 19/4/2020, tổng lượng khẩu trang đã xuất khẩu là 415 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Singapore.

Ông Trần Thanh Hải (ngoài cùng, bên phải) tại Hội thảo trực tuyến "Xuất khẩu dệt may trong bối cảnh Covid-19 – Giải đáp quy định về CE và FDA".
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 ngày 29/4/2020 giúp các doanh nghiệp dệt may bù đắp thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân đều là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe và an toàn của người sử dụng. Do vậy, các nước nhập khẩu thường có yêu cầu về chất lượng đối với các mặt hàng này, đặc biệt như thị trường Mỹ, EU. Nếu không có các chứng chỉ phù hợp thì hàng hóa của doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS thừa nhận rằng, đại dịch Covid-19 đã đem đến những cơ hội mới phát sinh cho DN dệt may như sản xuất và xuất khẩu khẩu trang để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, vừa qua, việc xuất khẩu khẩu trang gặp không ít khó khăn. Lãnh đạo VITAS và Cục Xuất nhập khẩu đã tham dự nhiều cuộc họp, gửi nhiều văn bản kiến nghị tới Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho DN XK khẩu trang thuận lợi. Kết quả là VITAS đã nhận được các văn bản chỉ đạo từ Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, một số quy định về tổng cục hải quan đã được tháo bỏ. Và mới nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 cho phép gỡ bỏ hạn chế về XK khẩu trang y tế, tạo điều kiện cho DN dệt may tận dụng thời cơ trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ Covid-19.
Đối với thị trường XK, vừa qua DN chủ yếu mới xuất khẩu khẩu trang vải và khẩu trang kháng khuẩn, trong khi khẩu trang y tế chưa xuất khẩu được nhiều. DN nên hết sức lưu ý về CE và FDA để có thể XK lượng sản phẩm lớn vào thị trường Mỹ và EU.
Hành trang bắt buộc đối với DN xuất khẩu khẩu trang
Thực tế cho thấy, các quy định về xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế vào EU và Hoa Kỳ, cụ thể là quy trình xin chứng nhận CE (CE Marking) và FDA vốn là những tiêu chuẩn phổ biến ở hai thị trường này nhưng lại là nội dung còn khá mới mẻ với nhiều DN Việt Nam và liên quan nhiều yếu tố kỹ thuật nên nhiều DN lúng túng.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong ngành giới thiệu những khái niệm cơ bản, thông tin về quy trình và các bước thực hiện, về tổ chức đánh giá sự phù hợp có thẩm quyền trong việc cấp chứng nhận CE và FDA.
Liên quan tới quy định xuất khẩu sang EU - Chứng chỉ CE, ông Đinh Ngọc Long – Chuyên gia đánh giá Trưởng Quarcert cho biết, CE là chủ đề lớn, được nhiều người quan tâm. CE xuất hiện trong nhiều sản phẩm tại khu vực kinh tế châu Âu (EEA), Khi có dấu CE tức là sản phẩm đáp ứng yêu cầu chỉ thị an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, sản phẩm được bán trong toàn khu vực trên 500 triệu dân.

Doanh nghiệp cần phải coi CE và FDA là hành trang bắt buộc trong tiến trình hội nhập.
Tất cả các nhà sản xuất, kể cả ngoài EEA đều muốn gắn dấu CE lên sản phẩm. CE là "hộ chiếu thương mại" để lưu thông sản phẩm trong EEA, hỗ trợ cạnh tranh công bằng vì cùng tuân thủ một nguyên tắc, cho phép các đơn vị chắc năng xử lý với những sản phẩm không phù hợp.
Theo ông Đinh Ngọc Long, các sản phẩm cần gắn dấu CE gồm: Thiết bị y tế cấy ghép, thiết bị đốt bằng nhiên liệu khí, thiết bị chẩn đoán y tế trong ống nghiệm, thang máy, nồi hơi, máy móc, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, dụng cụ bảo hộ cá nhân...
Việc thực hiện gắn dấu 6 CE lên trên sản phẩm gồm 6 bước: Xác định các chỉ thị áp dụng chỉ thị và tiêu chuẩn liên quan; Xác nhận yêu cầu cụ thể của sản phẩm; Đánh giá sự phù hợp; Kiểm tra sản phẩm và kiểm tra sự phù hợp; Vẽ và giữ sẵn các tài liệu kỹ thuật cần thiết; Đặt dấu CE trên sản phẩm của bạn và Tuyên bố về sự phù hợp của EC.
Trong khi đó, chia sẻ về quy định xuất khẩu sang Hoa Kỳ - Chứng chỉ FDA, ông Trần Anh Tuấn – Chuyên gia đánh giá Trưởng Quarcert cho biết, tiêu chuẩn FDA chính là những quy định nghiêm ngặt, khắt khe của Cục quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA). Tiêu chuẩn FDA chính là những kết luận đưa ra, giám sát mức độ an toàn cho những sản phẩm nằm trong danh mục quản lý của mình và lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ. FDA cũng giám sát độ an toàn của tất cả các sản phẩm từ nhà sản xuất muốn đưa sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ. Nếu không có giấy chứng nhận FDA và tuân thủ quy định của FDA thì sản phẩm đó sẽ không được lưu hành tại thị trường Hoa Kỳ.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các vấn đề kỹ thuật tại hội thảo với sự trình bày dễ hiểu và cô đọng của các chuyên gia đã giúp truyền tải thông tin cơ bản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là vấn đề kỹ thuật rất mới và phức tạp nên thời lượng 1 buổi chiều chưa đáp ứng hết các yêu cầu, mong muốn của DN.
Các DN muốn tìm được các đơn vị tư vấn có độ tin cậy để giúp DN thực hiện quy trình đánh giá CE và FDA một cách nhanh chóng, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Bộ Khoa học & Công nghệ, các chuyên gia để có thể hỗ trợ tốt hơn cho DN liên hệ trong thời gian tới.
"Buổi hội thảo giúp các DN nhận thấy tầm quan trọng của công tác chứng nhận sự phù hợp nói riêng cũng như việc đảm bảo chất lượng sản phẩm chung. DN phải coi đây là hành trang bắt buộc trong tiến trình hội nhập để chúng ta có thể bước ra thị trường thế giới một cách chủ động, vững tin, qua đó đem lại thành công cho DN và đất nước", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải bày tỏ mong muốn khi DN xuất khẩu khẩu trang vào các thị trường Mỹ và EU cũng như các thị trường khác cần có sự nghiêm túc.
"Nếu DN có sự đầu tư bài bản và đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu thì DN mới nên tham gia vào những thị trường này. Nếu không chỉ là sản phẩm đi qua mùa dịch rồi sẽ lắng xuống, như vậy hoạt động kinh doanh không được lâu bền, thậm chí có thể có những thiệt hại do chúng ta không nắm vững yêu cầu về chất lượng của các thị trường nhập khẩu", ông Trần Thanh Hải gửi thông điệp tới doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm