Duy trì chiết khấu bằng 0, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ phá sản
DNVN - Mức chiết khấu bằng 0 mà các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối đang áp dụng cho các thương nhân phân phối, đại lý bản lẻ đang là một nghịch lý. Các DN bán lẻ "than" càng bán càng lỗ, lỗ chồng lỗ, thu không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định. Nếu tiếp tục duy trì mức chiết khấu 0 đồng này, DN chắc chắn sẽ phá sản....
Đà Nẵng: Nhiều cơ hội và lợi thế đang mở ra cho các nhà đầu tư giáo dục quốc tế / Nhiều hợp tác được ký kết ngay sau giải tennis Doanh nhân Trẻ Đồng bằng sông Cửu Long
Càng bán càng lỗ
Tại hội nghị "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu" sáng 21/9 tại Hà Nội, đại diện nhiều DN bán lẻ xăng dầu rất bức xúc khi các DN đầu mối áp dụng mức chiết khấu bằng 0 cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng, DN sở hữu 5 cửa hàng bán lẻ và 10 đại lý trực thuộc tại Yên Bái cho biết, DN nhận hàng tại kho Đức Giang (Hà Nội), chi phí vận chuyển cho mỗi lít xăng từ Hà Nội lên Yên Bái vào khoảng 700 đồng/lít. Trong khi đó, mức chiết khấu với DN bằng 0 đã khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.
"Thời gian vừa qua, hàng hóa nhập về đã khó, lực lượng quản lý thị trường lại yêu cầu không được đóng cửa. Trong khi đó, vào mùa mưa lũ, đi lại khó khăn. Do phân phối xăng dầu ở vùng sâu vùng xa, vào mùa mưa lũ, DN còn phải thuê xe kéo xe bồn mỗi khi xe gặp sự cố do đường sá lầy lội để mang hàng lên phục vụ bà con. Chiết khấu tại kho bằng 0, thực sự DN không thể bù đắp chi phí, càng bán càng lỗ. Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước tạo điều kiện cho DN đủ chi phí để trả lương cho người lao động", bà Sinh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng.
Đại diện Công ty TNHH Mỹ Bảo (Hà Nội) đánh giá, các chính sách điều hành thị trường xăng dầu hiện nay rất bất hợp lý, nhưng chính các DN lớn cũng không chia sẻ khó khăn với DN nhỏ, DN đầu mối không chia sẻ với DN trong chuỗi.
Trong giai đoạn khó khăn này, các đầu mối giữ hết chi phí và cho DN bán lẻ chiết khấu bằng 0, điều đó là phi lý. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra các DN đầu mối về ý thức, trách nhiệm với các đối tác, bạn hàng, ý thức trách nhiệm của DN lớn với DN nhỏ.
Cũng đề cập đến vấn đề chiết khấu thấp, bà Lê Thị Nhã - đại diện 1 DN kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội phản ánh: Bản thân DN không phải thuê cửa hàng nhưng mấy tháng nay với mức chiết khấu các đơn vị đầu mối áp dụng bằng 0 và gần bằng 0 khiến DN không đủ tiền hao xăng dầu, chưa nói đến tiền điện, tiền trả lương cho công nhân... DN rơi vào tình cảnh lỗ vốn, phải vay tiền trả lương cho nhân viên.
"Đề nghị các đầu mối phải đảm bảo hoa hồng cho các DN, ít nhất phải đủ chi phí trả tiền lương, tiền điện để cửa hàng mới có tiền trang trải cho nhân viên ổn định mức lương hàng tháng. Nếu các DN đầu mối duy trì mức hoa hồng như hiện nay thì chúng tôi chắc chắn sẽ phá sản", bà Nhã nói.
Doanh nghiệp bán lẻ "mắc" ở đâu?
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và DN bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm chiết khấu bằng 0. Trong khi đó, chi phí bắt buộc cố định DN phải bỏ ra cho 1 lít xăng dầu từ 1.217 đến 1.341 đồng; từ 1.130 – 1.250 đồng/lít dầu.
“Với mức chiết khấu bằng 0, thương nhân chúng tôi càng bán càng lỗ, lỗ chồng lỗ, thu không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định. Trong khi quy định là phải bán hàng và không được phép đóng cửa,” ông Hạnh nêu.
Theo điều 11 của Thông tư 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, lợi nhuận định mức không thay đổi được áp dụng tối đa 300 đồng/lít. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, một lít xăng dầu chi phí tối thiểu phải từ 1.500 – 1.600 đồng thì DN mới có lãi và phản ánh mới đúng và bù đắp được chi phí trong kinh doanh xăng dầu cho thương nhân phân phối cũng như đại lý bán lẻ xăng dầu.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải.
"Phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các DN đầu mối. Nhà nước có quy định yêu cầu các DN đầu mối cho các đại lý, tổng đại lý chiết khấu hoa hồng tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh. Vì DN phụ thuộc vào đầu mối nhập khẩu, họ cho bao nhiêu, DN được bấy nhiêu, chưa có văn bản quy phạm pháp luật để đòi hỏi họ. Chúng tôi đang "mắc" ở đây", Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải nhấn mạnh.
Không DN nào "trụ" được
Ở góc nhìn hiệp hội, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, diễn biến thị trường xăng dầu năm 2022 mang tính dị biệt hoàn toàn so với các năm khác. Chính vì yếu tố này đã bộc lộ ra nhiều vấn đề. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề chiết khấu.
"Đây là năm đầu tiên chúng ta có khái niệm chiết khấu âm, chiết khấu bằng 0 - điều chưa từng xảy ra trước đây. Nghe rất lạ lùng nhưng đây là tác động cực kỳ khách quan. Không có đơn vị nào tồn tại được với chiết khấu 0 đồng, mấy tháng trời chịu cảnh lỗ, bản thân các DN phải bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động. Trong khi đó, không có một cơ chế nào dẫn tới việc áp dụng chiết khấu bằng 0", ông Bảo nhìn nhận.
Không có bất cứ DN nào chịu đựng được với việc biến thiên, tăng giảm giá giá xăng dầu như vài ngày gần đây. Các năm trước, để đạt được mức tăng - giảm giá 10% ít ra phải kéo dài chu trình khoảng 15 ngày cho đến 1 tháng.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Nhưng hiện nay, đơn cử như trong ngày 14/9 vừa qua, mỗi thùng dầu diesel lao thẳng 11 USD, sang ngày tiếp theo lại mất thêm 10 USD. Một rủi ro như vậy không có DN nào trụ được. Chỉ trong vòng 2 ngày mà giá dầu diesel giảm tới 21 USD một thùng. Với tình hình diễn biến giá cả như như vậy chả DN nào "ôm" dầu diesel trong bể. DN mong ngóng lấy được hàng vừa đủ đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, vấn đề chiết khấu 0 đồng đúng là tác động hết sức tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu của các DN bán lẻ. Những kiến nghị hôm nay của các DN cũng là những kiến nghị của hệ thống kinh doanh xăng dầu bán lẻ trên toàn quốc.
Vì vậy, hiệp hội sẽ tập hợp tất cả các ý kiến của DN, phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đưa kiến nghị của 2 hiệp hội lên các cơ quan quản lý Nhà nước để từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN. Qua đó, hoạt động kinh doanh mặt hàng chiến lược này sẽ khởi sắc trong thời gian tới.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo