Hỗ trợ doanh nghiệp

Gia nhập CPTPP: Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, biến sức ép thành động lực

(DNVN) - Cho rằng việc gia nhập CPTPP mang lại cơ hội kèm thách thức, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, chủ động, biến sức ép cạnh tranh thành động lực đổi mới và phát triển.

Vietjet chi hơn 10 tỷ USD mua thêm 50 máy bay và dịch vụ bảo dưỡng / 10 tháng có hơn 78.000 doanh nghiệp giải thể

Doanh nghiệp cần hỗ trợ hiệu quả
Sáng 05/11, thảo luận tại Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ĐBQH tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc nói, CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội quý giá.
“Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, ông Lộc nhấn mạnh, đó mới chỉ là cơ hội. Ông Lộc lấy ví dụ, các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đã từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của Việt Nam còn khiêm tốn.
“Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (và chủ yếu thuộc về các FDI). Hơn 60% còn lại, vì nhiều lí do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt”, ông Lộc nói về việc Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội do các FTA mang lại.
Từ kinh nghiệm thực thi WTO và các FTA, Chủ tịch VCCI đưa ra 3 gợi ý về việc hỗ trợ các doanh nghiệp.
Thứ nhất, văn kiện CPTPP rất khó để hiểu ngay và hiểu đúng để vận dụng có hiệu quả với các doanh nghiệp, nên Chính phủ và đoàn đàm phán cần có đầu mối chính thức để hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp về nội dung của các cam kết.
Thứ hai, trong mọi kế hoạch rà soát, nội luật hóa các cam kết hoặc xây dựng pháp luật liên quan tới Hiệp định, các Bộ ngành cần phải tham vấn rộng rãi và thực chất với cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ ba, cần thiết lập một đầu mối chính thức để tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xử lý các bất đồng về cách thức diễn giải trong quá trình áp dụng trực tiếp các cam kết cũng như các quy định nội luật hóa Hiệp định.
Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng
Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) nêu rõ, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, CPTPP cũng mang lại cho Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam nhiều thách thức.
Đó là thách thức về năng lực cạnh tranh. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải có nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ. Nếu không quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực khoa học công nghệ thì Việt Nam sẽ bỏ lỡ thời cơ của CPTPP.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ phải chịu sự tác động bất lợi của các mạng khoa học công nghệ 4.0 như sa lầy vào vị trí bất lợi trong phân công lao động quốc tế, chịu hệ lụy của làn sóng đào thải các ngành công nghệ cũ do các nước đẩy mạnh đổi mới công nghệ.
Đại biểu Thu Hà cũng chỉ ra nhiều thách thức khác, đòi hỏi phải có sự thích ứng ngay từ việc ban hành và điều chỉnh các chính sách mang tầm vĩ mô, như đổi mới thể chế; chính sách về công nghiệp, thương mại và đầu tư; phương thức công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sử dụng công cụ, biện pháp phòng vệ phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế…
Tuy nhiên, đại biểu Thu Hà nêu quan điểm, tham gia CPTPP không phải chỉ là cuộc chơi của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng nhất chính là lực lượng xung kích doanh nghiệp.
“Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển”, đại biểu Hà nói.
Theo đại biểu Lê Thu Hà, CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng được những thay đổi về môi trường kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung-dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và thị trường đối tác tiềm năng.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm doanh nghiệp đối tác, tạo sức hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả, nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời , đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) nhắc tới một loạt ưu thế của doanh nghiệp nước ngoài và cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài sẽ “nhanh chân” hơn các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội mà CPTPP mang lại.
Từ đó, đại biểu Thưởng đề nghị Chính phủ thông qua Bộ Công Thương cần tổ chức phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp, đặc biệt là thông tin về ưu đãi thuế quan; tổ chức tập huấn giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới phát triển.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm