Hỗ trợ doanh nghiệp

Giải pháp giúp DNNVV bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu

DNVN - Dự án Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) với chuỗi cung ứng toàn cầu do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được thực hiện nhằm củng cố mối quan hệ bên mua - bên bán giữa các DNNVV Việt Nam với các công ty đa quốc gia tại Việt, qua đó giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Facebook đối mặt với án phạt 5 tỷ đô la Mỹ / EVFTA "đánh" vào khâu yếu nào của doanh nghiệp dệt may Việt Nam?

Ông Ron Ashkin – Giám đốc Dự án LinkSME đã chia sẻ thông tin này tại "Diễn đàn Điện tử Việt Nam 2019 - Kết nối và đối thoại cùng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu" do Công ty Reed Tradex và Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức chiều 11/7.
Thực tế cho thấy, các DN Việt Nam vẫn chưa đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn phải nhập khẩu. Nguyên nhân của tình trạng này là do phần đông DN Việt Nam là các DNNVV. Nhằm hỗ trợ nhóm DN này, USAID quyết định thực hiện Dự án LinkSME trong giai đoạn 2018 - 2023 với mục tiêu củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua nhằm giúp các DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, LinkSME sẽ cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc giúp các công ty đa quốc gia tại Việt Nam giảm chi phí khi sử dụng nguồn cung trong nước, đồng thời đưa ra cơ hội lớn mở rộng thị trường cho các DNNVV nhắm vào tầng lớp trung lưu – người tiêu dùng chính cho các sản phẩm của Mỹ. Dự án cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực bằng cách làm môi trường đầu tư của Việt Nam trở lên hấp dẫn và dễ đoán hơn.
Ông Ron Ashkin – Giám đốc Dự án LinkSME giới thiệu về Dự án LinkSME

Ông Ron Ashkin – Giám đốc Dự án LinkSME giới thiệu về Dự án LinkSME

Phân tích từ Dự án USAID LinkSME nhận định, khả năng tăng trưởng hiện nay của Việt Nam qua việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước là 58 tỷ USD. Làm cách nào để không "bỏ rơi" 58 tỷ USD này là điều các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng quan tâm.
Dự án hiện nay đang hỗ trợ kết nối trong lĩnh vực điện tử và cơ khí. Sẽ có thêm 3 lĩnh vực hác được lựa chọn hỗ trợ vào năm 2020.
Theo ông Ron Ashkin, để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, bước đầu phải kết nối DNNVV. Theo đó, cần hiểu yêu cầu của bên mua (cả xu hướng toàn cầu và nhu cầu cụ thể của DNNVV), về chất lượng, số lượng, thời gian, chi phí, dữ liệu, dịch vụ khách hàng và tiêu chuẩn hóa.
Các bước tiếp theo là cân nhắc khả năng tham gia cung ứng; xác định, xem xét và ưu tiên bổ sung thiếu hụt của DNNVV; tăng cường năng lực cung cấp từ nguồn lực sẵn có; phát triển nhanh từng bước. Điều cần lưu ý là mỗi DNNVV đều có các nhu cầu khác nhau.
Hướng tiếp cận của Dự án LinkSME có sự khác biệt bởi dự án này bắt đầu từ nhu cầu của bên mua; kết nối DNNVV với nhu cầu mua hàng của DN nước ngoài - cơ hội thực sự; Hỗ trợ kỹ thuật và kết nối. Một khi DNNVV được kết nối với bên mua tiềm năng và hiểu yêu cầu của bên mua, khả năng được tăng cường năng lực kết nối của DN là chắc chắn.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch giữa các DNNVV Việt Nam đã sẵn sàng kết nối với các công ty nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và kim loại. Từ tháng 9/2020, LinkSME sẽ tập trung nhân rộng và tăng quy mô giao dịch thí điểm giai đoạn 1 trong lĩnh vực điện tử, kim loại và ba lĩnh vực bổ sung sẽ được quyết định vào cuối giai đoạn 1.
Trong năm cuối cùng, LinkSME sẽ áp dụng những bài học kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn 1 và 2 nhằm giảm thiểu những rào cản đang hạn chế khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 lĩnh vực. Từ chỗ hiểu rõ những khó khăn ở cấp quốc gia và doanh nghiệp trong việc phát triển mối liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa với công ty nước ngoài, các can thiệp của giai đoạn 3 sẽ giúp thể chế hóa những cải cách quan trọng ngoài 5 lĩnh vực đã chọn.
Với việc tham gia vào hoạt động kết nối, các DNNVV được kết nối với các DN nước ngoài quan tâm tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước và tăng hàm lượng nội địa hóa sản phẩm; tiếp cận với quy trình, tủ tục đấu thầu mua sắm của DN nước ngoài; Hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu riêng và kỹ thuật của DN nước ngoài; Hỗ trợ nâng cao năng lực cho DNNVV trong một số lĩnh vực chính.
Với những cơ hội này, ông Ron Ashkin khuyến khích các DNNVV tham gia vào dự án LinkSME, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nước nhà.
Để tham gia dự án, các doanh nghiệp Việt Nam phải đạt những tiêu chí như là doanh nghiệp có quy mô và khu vực sản xuất kinh doanh có sản phẩm đầu ra chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới. Các doanh nghiệp phải đổi mới thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động. Sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và có giải pháp bảo vệ môi trường bền vững. Môi trường lao động sử dụng nhiều lao động nữ, tạo việc làm có yếu tố về giới được cân bằng.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm