Hỗ trợ doanh nghiệp

EVFTA "đánh" vào khâu yếu nào của doanh nghiệp dệt may Việt Nam?

DNVN - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đánh đúng vào khâu yếu của doanh nghiệp Việt, đó là khâu dệt vải và nhuộm hoàn tất. Trong khi đó, yêu cầu xuất xứ từ vải đến nhuộm. Điều đó có nghĩa nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải thì không được hưởng ưu đãi thuế quan 0%.

Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Singapore / Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động tìm hiểu về EVFTA

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã chia sẻ với báo chí như vậy bên lề Hội thảo “Sản xuất tốt hơn với kỹ thuật số trong ngành dệt may" do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Viện Kỹ thuật công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Đánh giá về cơ hội của ngành dệt may sau khi Việt Nam ký EVFTA với EU vào ngày 30/6 vừa qua, ông Cẩm cho rằng, ngành dệt may được hưởng lợi nhiều, thậm chí là hưởng lợi nhiều nhất.
"Theo đó, hiệp định mở ra một thị trường xuất khẩu dệt may rộng lớn bởi lẽ nhu cầu NK hàng dệt may của EU lớn nhất thế giới, hiện EU nhập khẩu từ nước ngoài vào khoảng trên 250 tỷ USD - tứ là gấp hơn 2 lần so với Hoa Kỳ. Đây là thị trường rất lớn với 500 triệu dân chiếm 26% GDP toàn cầu và 20% thương mại toàn cầu", Phó Chủ tịch VITAS nêu.
EU là thị trường có nhu cầu NK hàng chất lượng cao, đẳng cấp và khó tính. Do đó, khi hiệp định có hiệu lực, ngoài mở rộng thị trường, các DN Việt Nam có cơ hội tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh bởi vì đa phần các dòng thuế được giảm về 0% trong khoảng 3 - 7 năm. Hiện chúng ta đang phải chịu mức thuế trung bình của EU là 9,6%. Khi giảm mức thuế, được hưởng ưu đãi thuế 0% thì đương nhiên hiệu quả sản xuất sẽ tăng lên.
Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có yêu cầu xuất xứ từ vải, nó kết hợp cả với Hiệp định CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi. Điều này tạo ra cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn đầu tư vào khâu mà Việt Nam còn yếu. Đây là cơ hội rất lớn để giải quyết điểm nghẽn của ngành dệt may Việt Nam, đó là khâu dệt vải và nhuộm hoàn tất.
Hiệp định EVFTA cũng như CPTPP cũng tạo ra sức ép nhất định, thúc đẩy cải cách về thể chế của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam phải nội luật hóa những quy định mà chúng ta đã cam kết tại hai hiệp định này. Với những thay đổi đó, các DN dệt may VN nói riêng và các DN nói chung trong nền kinh tế được hưởng thuận lợi hóa thương mại và tất cả những vấn đề về hành chính, kiểm tra chuyên ngành liên quan đến những rào cản.
Theo ông Trương Văn Cẩm, EVFTA đánh đúng vào khâu yếu của DN dệt may Việt Nam. (Ảnh: TBTCO)

Theo ông Trương Văn Cẩm, EVFTA đánh đúng vào khâu yếu của DN dệt may Việt Nam. (Ảnh: Báo Công Thương)

Đề cập tới những thách thức, ông Cẩm cho rằng EVFTA đánh đúng vào khâu yếu của chúng ta, đó là khâu dệt vải và nhuộm hoàn tất. Trong khi đó, yêu cầu xuất xứ từ vải đến nhuộm. Điều đó có nghĩa nếu chúng ta không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải thì chúng ta không được hưởng ưu đãi thuế quan 0%.
"Dĩ nhiên có trường hợp ngoại lệ. Hiệp định quy định việc chúng ta có thể nhập vải từ Hàn Quốc. Hiện Việt Nam nhập 2 tỷ USD vải mỗi năm. Chúng ta có thể sử dụng nguồn vải này nếu sử dụng nó để may XK sang EU, và như vậy vẫn được coi là có xuất xứ và được hưởng thuế xuất 0%", ông Cẩm chia sẻ.
Đây là điều kiện thuận lợi vì Hàn Quốc là thị trường khá lớn. Việt Nam nhập vải từ Trung Quốc khoảng 7 tỷ USD chiếm khoảng 55%, Hàn Quốc 2 tỷ USD, chiếm 16%, Đài Loan 6 tỷ USD, chiếm 11%. Số lượng vải Việt nam nhập từ Hàn Quốc không đáng bao nhiêu. Do đó, các DN Việt Nam có thể phối hợp, liên kết để sử dụng nguồn vải của nhau để xuất khẩu sang EU được. Ngoài ra, có thể liên kết, phối hợp để đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, để chúng ta có nguồn vải được hưởng ưu đãi.
Một thách thức khác khi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vào thị trường khó tính và đòi hỏi hàng hóa chất lượng cao này, nhất là yêu cầu về an toàn sản phẩm và vệ sinh môi trường, lao động, các DN cũng cần quan tâm để hạn chế được nhiều nhất các thách thức.
Cũng tại bên lề hội thảo, ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm cho rằng, các DN dệt may cần tập trung vào năng lực sản xuất, lượng hàng cung cấp cho khách hàng châu Âu vì châu Âu thường có đơn hàng số lượng lớn. Nếu DN không đủ năng lực thì đối tác sẽ không đặt hàng.
Ngoài ra, châu Âu là thị trường tương đối khó tính với các yêu cầu DN phải đạt chuẩn. Điều này yêu cầu các DN nước ta phải tự đổi mới để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, qua đó mới XK được sang châu Âu.
Với Công ty Cổ phần May Hồ Gươm, công ty này đang cố gắng nâng cao năng lực, mở rộng nhà máy, tuyển thêm công nhân để khi đơn hàng lớn vào công ty có thể đáp ứng được. Chúng tôi đang cố gắng liên kết với các nhà sản xuất vải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ khi XK vào châu Âu.
Khi hiệp định EVFTA được ký kết, các DN sẽ ồ ạt đưa hàng vào Việt Nam. Là ngành sử dụng nhiều lao động, nếu không có ứng dụng công nghệ để tăng năng suất thì việc thu hút lao động tạo ra lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng sẽ khó khăn.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm