Hỗ trợ doanh nghiệp

Giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tháng 5, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh / Vingroup đặt mục tiêu doanh thu 145.000 tỷ đồng

Doanh nghiệp sắp được giảm tiền thuê đất và giảm 2% lãi suất cho vay. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Doanh nghiệp sắp được giảm tiền thuê đất và giảm 2% lãi suất cho vay. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo đó, Chính phủ đồng ýgiảm nhiều khoản thuế, phí và lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân.

Giảm 50% phí trước bạ ô tô

Cụ thể, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Đặc biệt, giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với ngành hàng không, giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020.

Cùng với đó, miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31/12/2019.

Ngoài ra, người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng vui mừng khi Chính phủ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phê duyệt Cấp phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money).

 

Mở cửa đón chuyên gia nước ngoài

Theo Nghị quyết 84, Chính phủ cũng cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch.

Chính phủ đồng ý cho gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Đồng thời, Việt Nam sẽ cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.

Cắt giảm 70% chi phí công tác nước ngoài của các Bộ

 

Dự kiến trong năm nay, ngân sách Nhà nước hụt thu khoảng 150.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ chính sách thắt chặt chi tiêu, bao gồm cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, kinh phí thực hiện năm Chủ tịch ASEAN 2020 và đối với các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao)

Trong Nghị quyết 84 Chính phủ đồng ý phương án này. Ngoài ra, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết - nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm