Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp kháng kiện phòng vệ thương mại

DNVN - Trong khi đa số các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiểu biết chưa sâu về phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động giúp các DN hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra cũng như các kịch bản có thể xảy ra với DN.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu tại thị trường Châu Phi 1,3 tỷ dân / Hành trình năm thứ 15 của Quỹ sữa vươn cao Việt Nam khởi động, mang sữa đến cho hàng nghìn trẻ em

PVTM là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa. Các nền kinh tế có xuất khẩu càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020 và đạt 336 tỷ USD vào năm 2021. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành 1 trong số 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Cùng với những kết quả đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài. Tính đến hết tháng 4/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra PVTM.
Việc DN Việt Nam bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ có những tác động tiêu cực như giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.

Đa số các DN Việt Nam DN vừa và nhỏ nên hiểu biết về PVTM chưa sâu.
Thời gian qua, với các nỗ lực của chính phủ, nhận thức của cộng đồng DN về phòng vệ thương mại đang dần được nâng cao. Tuy nhiên, đa số các DN Việt Nam DN vừa và nhỏ, hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra. Các DN không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao nhận được kết quả bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như sớm tiếp cận với các DN trong những ngành có nguy cơ và/hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để cung cấp thông tin, giúp các DN hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc DN cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với DN.
Các hoạt động hỗ trợ DN của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả rất tích cực. Trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN xuất khẩu. Nhờ đó, các DN xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng thì công tác hỗ trợ DN xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN để giảm thiểu tác động của các biện pháp PVTM đến kết quả xuất khẩu.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm