Hỗ trợ doanh nghiệp XK nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU và thực thi hiệu quả EVFTA
DNVN - Tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, cũng phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Việc hỗ trợ DN XK nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU và thực thi hiệu quả EVFTA có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng DN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Hội nghị quy mô lớn về hỗ trợ DNNVV tận dụng cơ hội, dự phòng thách thức từ EVFTA / Hỗ trợ cộng đồng DNNVV nhận thức thực sự đầy đủ về EVFTA
Ngày 30/6 tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA. Sự kiện sẽ diễn ra tại Khách sạn Rex - số 141 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiệp định EVFTA, nếu được thực thi hiệu quả và thành công, sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, đánh dấu cho giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế thương mại quốc tế và gia tăng hợp tác giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Hiệp định EVFTA được Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn vào phiên họp sáng ngày 08/6 vừa qua với tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt.
Thông qua Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU thúc đẩy tự do hóa thương mại dựa trên các quy định minh bạch, công bằng sẽ gửi một tín hiệu tích cực đến cộng đồng quốc tế, tạo sự an tâm trong cộng đồng doanh nghiệp và từ đó góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của hai bên, đặc biệt sau dịch bệnh Covid-19.
EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới (chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu). Do vậy, mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, nhưng ta mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU, như vậy cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản còn rất lớn khi gần như thuế quan đã được giảm về 0% khi Hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, cũng phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Dù Hiệp định EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như hồ tiêu, chè, rau quả..v.v… vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA còn có các cam kết “phi truyền thống” về lĩnh vực lao động, môi trường. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường..v.v… phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng trên thực tế có một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm. Điều này có thể dẫn tới hậu quả là có rủi ro cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi từ vi phạm của một thiểu số doanh nghiệp.
Để kịp thời tận dụng cơ hội của thị trường EU nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA” với mục tiêu phổ biến về một số nội dung của Hiệp định EVFTA liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp (thuế quan, kiểm dịch động thực vật, quản lý an toàn thực phẩm..v.v...) tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và các cơ quan truyền thông báo chí để nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường EU.
Đồng thời, đề xuất cụ thể các giải pháp, biện pháp cũng như cách thức tiếp cận thị trường EU đối với từng ngành hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, khai thác được tối đa các ưu đãi từ Hiệp định (thuế quan, quy tắc xuất xứ..v.v..) và tận dụng được lợi thế sẵn có của ngành nông nghiệp nước ta.
Song song với đó là bàn cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan và tổ chức liên quan (Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, truyền thông báo chí) để đảm bảo công tác thông tin, truyền thông cũng như phát triển xuất khẩu sang thị trường EU một cách bền vững, phù hợp với năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh hiện nay.
Hội nghị sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đồng chủ trì và điều phối.
Sau khi kết thúc các báo cáo dẫn đề, Hội nghị sẽ tập trung vào Phiên thảo luận, đối thoại trong khuôn khổ chương trình. Hai Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trực tiếp điều hành và trao đổi, giải đáp các vấn đề mà đại biểu tham dự quan tâm, liên quan đến cách thức tiếp cận thị trường EU đối với từng ngành hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, khai thác được tối đa các ưu đãi từ Hiệp định (thuế quan, quy tắc xuất xứ..v.v..) và tận dụng được lợi thế sẵn có của ngành nông nghiệp nước ta.; các vấn đề đặt ra với công tác tổ chức sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU nhằm phát triển thị trường một cách bền vững; khả năng đáp ứng thị trường của hàng hóa nông, lâm, thủy sản phù hợp với năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng trong bối cảnh hiện nay...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo