Hoạt động thanh tra cần theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt hơn thay vì chỉ xử phạt
DNVN - Trước thực trạng doanh nghiệp lo ngại chỉ cần sai sót nhỏ về thuế là bị phạt nên lo ngại khi tiếp cận các gói vay hỗ trợ, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM kiến nghị hoạt động thanh tra cần theo hướng hỗ trợ DN làm tốt hơn thay vì nhìn họ như đối tượng vi phạm pháp luật.
Quảng Nam: Xây dựng đề án liên kết sản xuất công nghiệp hỗ trợ / Diễn đàn Mekong Startup: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Doanh nghiệp ngại bị thanh tra
Tại tọa đàm "Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 20/12 tại Hà Nội, bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trong 3 năm qua từ 2020 - 2022, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu và trình Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí. Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí mà Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng DN đánh giá cao.
Trong đó, DN đánh giá rất cao giải pháp giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%. Đây được coi là gói giải pháp rất lớn, chưa có tiền lệ và tạo sức ảnh hưởng rất to lớn đối với việc phục hồi của DN cũng như kích cầu tiêu dùng.
"Tuy vậy, đối với gói hỗ trợ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc cho DN. Trong đó, có ý kiến nêu khó khăn trong việc xác định hàng hóa, dịch vụ nào được giảm thuế", bà Phạm Thị Minh Hiền nói.
Các diễn giả tại phiên tọa đàm "Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý".
Ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, ông nhận thấy việc các NHTM e ngại về việc sử dụng NSNN để cho DN vay. Tuy nhiên, ở góc độ DN (khách hàng), qua thông tin NHNN tiếp cận được, bản thân các DN cũng có tâm lý e ngại sợ bị thanh tra, kiểm tra.
Dưới góc nhìn chuyên gia, đánh giá vướng mắc của DN trong tiếp cận gói hỗ trợ, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) cho biết, từ góc độ nghiên cứu cũng như làm việc rất nhiều với DN, CIEM nhận thấy rằng DN còn gặp khó trên nhiều phương diện.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2022 được DN kỳ vọng và chờ đợi rất nhiều DN đánh giá cao gói hỗ trợ về giảm thuế, tạo ra tác động tốt nhất hiện nay theo cảm nhận của DN. Dù vậy, trong quá trình thực hiện, DN cũng gặp khó trong việc điều chỉnh phần mềm về thuế khi thuế VAT giảm xuống 8% cũng như trong việc xác định danh mục mặt hàng nào được giảm thuế. DN có tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra về thuế.
Với chính sách giảm lãi suất 2%, cảm nhận của DN là khó tiếp cận. Với các DN cần vốn trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là DN chịu tác động lớn bởi thị trường bên ngoài, họ kỳ vọng NHNN điều chỉnh các quy định để DN tiếp cận dễ dàng hơn, đồng thời các NHTM cũng cảm thấy tự tin hơn khi cung cấp các gói hỗ trợ cho DN.
Văn bản chỉ đạo chưa đủ rõ ràng
Lý giải nguyên nhân DN khó tiếp cận các gói hỗ trợ, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang & Associates đưa ra 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do chất lượng xây dựng các văn bản chỉ đạo điều hành trong các giai đoạn có dịch bệnh. Giai đoạn 2020 - 2021, nhiều văn bản chỉ đạo điều hành cũng như quy phạm chưa đủ rõ ràng để DN dễ thực hiện.
Tháng 4 - 5/2020 khi Nhà nước yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì DN rất hoang mang, lo lắng về việc xử lý các hợp đồng bởi hoạt động sản xuất kinh doanh phải dừng, gián đoạn, liên quan đến các quy định hợp đồng... Quy định "1 cung đường 2 điểm đến" hay mô hình "3 tại chỗ" đã khiến DN phải tổ chức lại bộ máy và có phương án quản trị rủi ro của DN.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang & Associates nêu nguyên nhân khiến DN khó tiếp cận gói hỗ trợ.
Thứ hai, công tác truyền thông về các văn bản hơi khái quát, trong khi DN cần cụ thể hơn. Các cơ quan ban hành chính sách, đặc biệt là ở địa phương không có nhiều bộ phận tiếp cận để giúp DN có thể hiểu rõ hơn văn bản chỉ đạo điều hành cũng như các quy phạm.
Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), một nguyên nhân quan trọng khác là do bối cảnh chưa có tiền lệ. Cùng trong bối cảnh dịch bệnh nhưng mỗi địa phương đưa ra 1 quy định, không có sự nhất quán trong hệ thống. Đơn cử như việc xác định đâu là hàng hóa thiết yếu mỗi nơi mỗi khác khiến DN gặp nhiều khó khăn.
"Lý do thứ hai phải nói thẳng thắn rằng động lực thực thi chưa thực sự cao nên DN khó tiếp cận gói vay. Thứ ba là chất lượng của chính sách, còn đặt quá nhiều mục tiêu cũng khiến Nhà nước chịu thiệt. Những hạn chế này cần được thay đổi để hỗ trợ tốt nhất cho DN", ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Cần thanh tra theo hướng hỗ trợ
Theo Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM, trong bối cảnh năm 2022, DN chồng chất khó khăn bởi phải vừa chịu tác động bởi dịch bệnh xong lại phải chịu cú sốc từ thị trường bên ngoài. Do đó, DN kỳ vọng Chính phủ áp dụng các gói hỗ trợ dài hơn. Chẳng hạn, gói hỗ trợ về thuế áp dụng đến hết năm 2022, chỉ còn ít ngày nữa DN sẽ không được hưởng gói hỗ trợ này nữa.
"DN kỳ vọng Chính phủ nên chăng cân nhắc và đưa ra thêm gói hỗ trợ giảm thuế cho DN. Đồng thời giãn thời gian thuê đất và nới thời gian áp dụng khung giá thuê đất mới. Khung giá thuê đất mới là một gánh nặng lớn với DN", bà Nguyễn Minh Thảo nêu.
Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM kiến nghị hoạt động thanh tra cần theo hướng hỗ trợ DN làm tốt hơn.
Chuyên gia này cho rằng DN lo ngại việc thanh tra kiểm tra về thuế. Chỉ cần sai sót nhỏ về thuế là bị phạt, từ đó tạo ấn tượng không tốt cho DN dù đó là DN tốt. Ấn tượng không tốt này khiến DN lo ngại khi tiếp cận các gói hỗ trợ.
Bản thân cán bộ quản lý Nhà nước chưa thực sự nhìn nhận tích cực đối với thái độ của DN. Thực ra, khi tiếp cận các gói hỗ trợ, DN luôn luôn kỳ vọng tuân thủ pháp luật tốt, DN không mong muốn lách luật, làm sai luật. Nhưng trong qúa trình thực hiện không thể tránh khỏi sai sót, cho dù là các DN lớn hàng đầu, DN đa quốc gia, có độ uy tín cao.
"Do đó, chúng tôi kỳ vọng hoạt động thanh tra, kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn DN làm tốt hơn thay vì nhìn DN như đối tượng vi phạm pháp luật. Trong bối cảnh hiện nay, cần đồng hành, đồng cảm nhiều hơn với DN. Có thể do DN được tiếp cận nhiều gói hỗ trợ hơn, tiếp cận nhiều chính sách hơn nên hoạt động thanh tra cũng nhiều hơn. Đó cũng là rủi ro pháp lý khiến DN e ngại, không chỉ trong lĩnh vực thuế mà còn trong nhiều lĩnh vực khác", bà Nguyễn Minh Thảo nói.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo