Hỗ trợ doanh nghiệp

Hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp nhiều thách thức

DNVN - Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển”, sáng 20/12 đã đưa ra các thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nửa cuối quý IV/2022 và đầu năm 2023.

Chi phí logistics vẫn ở mức cao, xuất nhập khẩu chịu thiệt / Tỷ giá biến động, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần làm gì để ứng phó?

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển” được Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp tổ chức nhằm kịp thời nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan.

Qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển, đồng thời, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022. (Ảnh: Hà Anh).

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã chỉ ra nhiều thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Theo đó, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối Quý IV/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với kết quả Quý III/20223 bởi cơ hội thị trường bị tác động mạnh.

Đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu từ chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Cùng với đó, chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế.

Sức ép này đến từ các yếu tố: Giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước vẫn chưa được tháo gỡ, khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh; tỷ giá USD/VND tăng mạnh, trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào, đồng thời kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước.

Lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cao. Rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID”.

Cuối năm 2022, đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều thách thức.

Ban Nghiên cứu phát triển KTTN nhấn mạnh: Doanh nghiệp ở một số ngành phản ánh các khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn.

Cụ thể, doanh nghiệp ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới.

Mặt khác, đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.

Doanh nghiệp nông nghiệp phản ánh về việc thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kì thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023. Thời gian thu mua gấp, lượng vốn cần lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tiếp cận tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu. Việc xây dựng bằng vốn đầu tư công cũng đang đình trệ, khiến nhóm doanh nghiệp này thực sự “khủng hoảng”.

“Sau hơn hai năm chịu những tác động hết sức tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, ở thời điểm hiện tại lại gặp khó khăn đặc biệt về vốn, cùng với các khó khăn mang tính hệ thống trước nay của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về nền tảng quản trị, về công nghệ…, khiến phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh để duy trì một phần hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi”, Ban Nghiên cứu phát triển KTTN chỉ rõ.

Ngoài việc đơn hàng và thị trường sụt giảm (khiến dòng tiền vào giảm mạnh) ở nhiều ngành, doanh nghiệp còn gặp thách thức đặc biệt lớn từ việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu phát triển KTTN đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.

Đặc biệt, cần khẩn trương tiến hành các cuộc bàn tròn công - tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống của cả nhập khẩu, xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn.

Trong quá trình này, cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới sẽ phát sinh ở các thị trường, đặc biệt xu hướng thiết lập các hàng rào kĩ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh xanh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn thế giới.

“Chính phủ nên xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19 như chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ”, Ban Nghiên cứu phát triển KTTN đề xuất.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm