Hỗ trợ doanh nghiệp

Khai phá thị trường 'tỷ đô' Halal: Bắt buộc phải chọn tổ chức chứng nhận uy tín

DNVN - Thị trường Halal được coi là hướng đi tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam với nhu cầu tiêu dùng cao từ các quốc gia Hồi giáo ở khu vực Trung Đông và châu Phi. Để có thể xuất khẩu sản phẩm Halal sang các nước này, điều cực kỳ quan trọng là phải lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế.

Cơ chế tín dụng ưu đãi tạo đà cho chuỗi liên kết lúa chất lượng cao / Hệ thống thủ tục chập chờn, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương khắc phục

Tiềm năng lớn, thách thức nhiều

Sản phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.

Những năm qua, nhu cầu đối với các sản phẩm Halal ngày càng gia tăng và đang trở thành xu hướng toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Giới chuyên gia nhận định, tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

Theo ông Lê Châu Hải Vũ - Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ và Thương hiệu của Viện Công nghệ Xuất Nhập khẩu ASEAN, các nước Hồi giáo không chỉ tiêu thụ lượng lớn sản phẩm Halal, mà các quốc gia không theo đạo Hồi cũng tận dụng cơ hội này để bán sản phẩm vào thị trường đầy tiềm năng này.

"Khu vực Trung Đông có thu nhập bình quân cao, dao động từ 30.000-60.000 USD/người/năm, một thị trường hấp dẫn và không phải quá khó để thâm nhập", ông Vũ chia sẻ.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các quốc gia Hồi giáo trong năm 2024 đạt gần 700 triệu USD, trong đó UAE, Ả Rập Xê Út và Ai Cập chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đặc biệt, khoảng 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông và châu Phi là sản phẩm Halal, cùng với thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến Halal chiếm khoảng 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm.


Thị trường Halal được coi là hướng đi tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Dù có tiềm năng lớn, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Năng lực xuất khẩu top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu.

Theo bà Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang đối diện với nhiều rào cản, từ yêu cầu về chứng nhận Halal, quy định pháp lý, đến sự khác biệt về văn hóa và cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia có lợi thế hơn.

Một trong những thách thức lớn nhất là yêu cầu chứng nhận Halal. Để được nhập khẩu vào các nước Hồi giáo, sản phẩm cần giấy chứng nhận Halal từ các tổ chức được công nhận quốc tế. Tuy nhiên, tiêu chuẩn Halal không thống nhất giữa các quốc gia và nếu DN chọn sai tổ chức chứng nhận hoặc chứng nhận không uy tín, sản phẩm có thể bị từ chối nhập khẩu hoặc phải kiểm định lại, gây mất thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, các DN Việt phải cạnh tranh với nhiều quốc gia như Malaysia, Indonesia và Thái Lan, vốn có kinh nghiệm và uy tín lâu đời trong lĩnh vực Halal. Hơn nữa, văn hóa tiêu dùng của người Hồi giáo tại Trung Đông và châu Phi rất khác biệt, từ hương vị, bao bì cho đến phong cách quảng bá sản phẩm. Điều này đòi hỏi DN phải nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh chiến lược marketing và sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng bản địa.

Các yếu tố logistics và chi phí vận tải cũng là một thách thức đáng kể. Việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam tới các thị trường này mất thời gian dài, chi phí cao và đòi hỏi cơ sở hạ tầng phù hợp - điều không đồng đều tại châu Phi và Trung Đông.

Bắt buộc phải chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín

Nhấn mạnh về yếu tố chứng nhận, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Giám đốc Marketing của Văn phòng Chứng nhận Halal, cho rằng, để sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, điều quan trọng hàng đầu là phải lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế.

"Tổ chức chứng nhận Halal có uy tín và được công nhận quốc tế sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ dễ dàng được chấp nhận tại các thị trường Hồi giáo, mà còn giúp tạo uy tín, nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ngược lại, chứng nhận từ một tổ chức không uy tín có thể khiến sản phẩm của doanh nghiệp bị từ chối nhập khẩu hoặc phải trải qua quá trình kiểm định bổ sung, gây lãng phí thời gian và chi phí", bà Hằng khẳng định.

Trước những rào cản lớn, ông Lê Châu Hải Vũ nhấn mạnh, điều quan trọng đầu tiên là các DN cần vượt qua rào cản nội tại, xem xét khả năng của mình, tìm hiểu kỹ nhu cầu và văn hóa của thị trường Halal. DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố tiêu dùng của khách hàng, đối thủ cạnh tranh, và xây dựng chiến lược phù hợp để tạo sự khác biệt trên thị trường.

Các DN nên tích cực tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm quốc tế hoặc tham gia các đoàn công tác thương mại để mở rộng quan hệ với các đối tác bản địa và nhà nhập khẩu. Những hoạt động này sẽ giúp DN nắm bắt thông tin thị trường nhanh chóng và hiệu quả.

Cuối cùng, DN cần chú trọng phân tích và đánh giá rủi ro, đặc biệt với các quốc gia có tình hình chính trị và kinh tế không ổn định. Việc hiểu rõ các quy định pháp lý, thuế quan tại từng thị trường cũng rất quan trọng, giúp DN có chiến lược tiếp cận an toàn, hiệu quả hơn.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm