Hỗ trợ doanh nghiệp

Khi nào doanh nghiệp nhỏ thoát ‘vòng xoáy’ tín dụng đen?

Sau vụ bắt giữ "đại gia" Thiện Soi ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) nhỏ đã tố cáo đối tượng này về hành vi cho vay nặng lãi khiến họ điêu đứng. "Vòng xoáy" tín dụng đen sẽ tiếp tục làm khổ những DN nào lỡ “dây” vào khi chưa tìm được các giải pháp tài trợ vốn phù hợp hơn.

Logistics nội có thể vượt 'bẫy' thâu tóm? / Kỳ vọng làn sóng doanh nghiệp Việt mua khối ngoại

Là một bị hại, nạn nhân tín dụng đen của "đại gia" Lê Thái Thiện (còn gọi là Thiện Soi, ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ông L.N.T - nguyên Chủ tịch Hội DN trẻ huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) cho rằng, đây là bài học đắt giá cho những DN nào như mình khi vướng vào đường dây cho vay nặng lãi.

Bài học đắt giá

Từ những điêu đứng khi rơi vào “vòng xoáy” nguồn tiền tín dụng đen, ông T cũng cảnh tỉnh mọi người cẩn trọng và tránh xa, vì sẽ không có nguồn tài chính nào đủ để trả lãi cho các chủ nợ cho vay nặng lãi.

HINH-8995-1607076161.jpg

Các DN nhỏ cần nói không với tín dụng đen và hướng đến nguồn vốn tài trợ chuỗi cung ứng.

Được biết, chỉ riêng với một khoản vay 8 tỷ đồng của "đại gia" Thiện Soi từ 3 năm trước và kéo dài đến tháng 9/2019, số tiền lãi và gốc mà ông T nợ đã lên đến 19 tỷ đồng.

Hiện nay, vẫn chưa có số liệu đầy đủ về số vụ việc cho vay nặng lãi bị cơ quan bảo vệ pháp luật “sờ gáy” trong 11 tháng năm 2020. Tuy nhiên, riêng năm ngoái, trên cả nước đã phát hiện đến 1.772 vụ việc liên quan tín dụng đen, khởi tố 573 vụ, 1.336 bị can, thậm chí có nhiều đường dây liên quan đến người nước ngoài.

Ngoài ra, một số thông tin còn cho thấy, cả nước có hơn 10.700 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen dưới các hình thức hụi, họ, đa cấp tài chính, tiền ảo, đang lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người.

Đặc biệt, có nhiều đường dây tín dụng đen cho vay nặng lãi truyền thống hoạt động biến tướng, sử dụng các hợp đồng giả cách (hợp đồng các bên thực hiện nhằm che giấu một hợp đồng khác), hợp đồng mua bán, thuê lại tài sản của người đi vay để chiếm đoạt tiền lãi bất chính.

Bà Trần Thị Kim Nhung - giám đốc một DN xuất khẩu nông sản ở Đồng Nai cho biết, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 trong năm nay đã ảnh hưởng lớn đến nguồn lực tài chính của DN. Các DN đã cầm cố bất động sản và các tài sản có thể để xoay xở..., nhưng lãi suất vẫn phải đóng cho phía ngân hàng.

 

Theo bà Nhung, một hiện trạng nổi lên giữa mùa dịch này chính là tín dụng đen nhằm tận dụng những “nút thắt” của DN trong vấn đề về vốn vay ngân hàng. Thậm chí, một số DN đã vay tiền của các đường dây cho vay nặng lãi để... đóng lãi suất ngân hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, tín dụng đen thường nhắm vào nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ - là những nhóm DN tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, “đường sống” của tín dụng đen còn đến từ những DN kinh doanh kiểu “ăn xổi”, không sử dụng vốn vay cho đầu tư sản xuất. Đơn cử như nạn nhân L.N.T khi vay tiền của "đại gia" Thiện Soi đã dùng vào việc mua bán bất động sản.

Hướng đến tài trợ chuỗi cung ứng

Hoặc như mới đây, nhiều cá nhân, DN tố cáo người trong gia đình bà P. (thành viên lãnh đạo của một DN có tiếng trong ngành nước giải khát)cho họ vay tiền với lãi suất cao rồi lấy luôn tài sản thế chấp của người vay.

 

Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi chính quyền địa phương ở Đồng Nai và Tp.HCM nhằm ngăn chặn hàng loạt bất động sản có liên quan đến những vụ cho vay này.

Có thể nói, mối liên quan giữa tín dụng đen với đầu tư vào bất động sản đã, đang và sẽ để lại nhiều hệ luỵ cho những DN nào đang dây vào vòng luẩn quẩn đó.

Như trường hợp của bà P., sau những tố cáo về cho vay với lãi suất cao, uy tín thương hiệu DN gia đình của bà sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Câu hỏi đặt ra là khi nào các DN nhỏ thoát khỏi “vòng xoáy” tín dụng đen? Muốn giải được vấn đề này, điều quan trọng DN phải nói không với các đường dây cho vay nặng lãi.

Thay vào đó, nếu gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn ngân hàng, một trong những giải pháp là các DN (đặc biệt là các DN tham gia trong chuỗi cung ứng) có thể chủ động tiếp cận các nguồn tài trợ vốn thông qua nền tảng công nghệ tài chính hay những mô hình tín dụng linh hoạt tuân thủ theo các quy định của Nhà nước và bảo vệ cả người cho vay lẫn người đi vay.

 

Theo chia sẻ của ông Huỳnh Văn Hải - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Fruit Farm, một DN đơn vị đang được hưởng lợi từ một nền tảng hỗ trợ tài chính: "Trước nhu cầu tăng mạnh về thực phẩm hàng ngày do dịch Covid-19, nhờ hỗ trợ được nguồn tài chính kịp thời từ nền tảng này đã giúp chúng tôi có thể mua nguyên liệu cần thiết và bán trái cây của mình đúng vụ, đặc biệt khi mà trái cây thường có thời hạn sử dụng ngắn kể từ khi lên kệ".

Hoặc như mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) đã hợp tác vớiValidus Việt Nam - một nền tảng chuyên hỗ trợ tài chính DN vừa và nhỏ, nhằm thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng cho các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam vốn dĩ thường khó hoặc không tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng.

Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ cung cấp hiệu quả những giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng tới các DN Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm và xây dựng, giúp thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động cho vay đối với DN nhỏ và vừa cũng như giải quyết nhu cầu thiếu hụt vốn ước tính lên tới 21 tỷ USD của các DN này.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm