Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp vẫn khổ vì 'bóng ma' Covid

Ở Tp.HCM lần đầu tiên đã khởi tố hình sự vụ lây lan dịch Covid-19. Hậu quả nghiêm trọng của chuyện này không chỉ ở việc lây nhiễm mà còn làm khổ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vốn ám ảnh với “bóng ma” dịch bệnh suốt cả năm nay.

VASEP: Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên bình tĩnh, không hạ giá / Đà Nẵng: Hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư từ thị trường Hàn Quốc

Tại buổi công bố ngày 3/12 về việc khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” ở TP.HCM liên quan trường hợp lây lan Covid-19 từ một nam tiếp viên hàng không dù đang trong thời gian cách ly, lãnh đạo Công an Tp.HCM cho rằng vụ việc này xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Dội thêm “gáo nước lạnh”

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng vừa chính thức xin lỗi vì ca lây nhiễm Sars-CoV-2 từ tiếp viên của hãng do không tuân thủ quy định cách ly ở Tp.HCM.

HINH-4233-1606986882.jpg

Dịch Covid-19 quay lại sẽ là thách thức lớn cho các DN ngành hàng nông sản.

Vụ việc này đặt trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn trước dịch Covid-19 ở đợt 1 và đợt 2. Nhiều DN xem dịp cuối năm với nhu cầu gia tăng tiêu dùng là cơ hội để phục hồi, nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở Tp.HCM trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2020 như dội thêm “gáo nước lạnh” vào họ.

Báo cáo mới đây từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho thấy trong 11 tháng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên toàn TP. HCM có 13.038 DN tạm ngưng hoạt động. Và cho đến thời điểm hiện tại thì đã có 6.412 DN hoạt động trở lại.

Còn theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2020 vừa qua, cả nước có 5.315 DN quay trở lại hoạt động, tăng 5,4% so với tháng trước đó. Và tính tổng cộng 11 tháng qua thì có 40,8 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số DN hoạt động trở lại là minh chứng cho mong muốn hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau các tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, “bóng ma” Covid-19 có vẻ như chưa buông tha DN nếu nhìn từ thực tế diễn biến dịch bệnh mới ở Tp.HCM đến nỗi phải khởi tố hình sự việc làm lây lan bệnh truyền nhiễm.

 

Đặc biệt là dịch bệnh làm cho sức mua trên thị trường nội địa trở nên yếu hơn so với mong đợi. Điều này có thể thấy rõ ở các mô hình bán lẻ truyền thống. Ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh tại Tp.HCM cho thấy tình trạng trả mặt bằng kinh doanh bán lẻ tính đến đầu tháng 12 này vẫn diễn ra rất phổ biến.

Quan sát trên tuyến đường vốn được tiếng là sầm uất kéo dài từ quận 1 cho đến quận 5 ở Tp.HCM như đường Trần Hưng Đạo sẽ thấy mặt tiền nhiều căn nhà phố treo biển cho thuê mặt bằng đến nay vẫn đóng cửa im lìm. Tình trạng này cũng tương tự ở nhiều con phố khác như Đồng Khởi, Nguyễn Thị Minh Khai, Hàm Nghi, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Ba Tháng Hai, Hùng Vương, An Dương Vương...tại các quận trung tâm như quận 1, 3, 5, 10...

Nhiều người còn đưa ra viễn cảnh những cơ sở kinh doanh bán lẻ sẽ tiếp tục “làn sóng” trả mặt bằng, đóng cửa hàng lần thứ 3 trong năm nay trước nỗi lo dịch bệnh quay lại khiến tình hình kinh doanh ảm đạm.

Thận trọng tránh rủi ro

Ông Nguyễn Hoàng Nhân, chủ một cơ sở kinh doanh sản phẩm thịt ở quận Tân Phú (Tp.HCM), cho biết tình hình kinh doanh của cơ sở trong tháng 11/2020 và những ngày đầu tháng 12 này vẫn khó gượng dậy khi giá trị đơn hàng giảm mạnh, sức mua yếu cả ở mặt hàng thịt tươi sống lẫn chế biến.

 

Ngoài ra, theo ông Nhân, những thay đổi ở hành vi của người tiêu dùng giữa dịch Covid-19, nhất là sự lên ngôi của xu hướng mua sắm trực tuyến thời dịch bệnh thì không phải DN nào cũng có thể bắt kịp.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện tới hành vi của người tiêu dùng. Dưới tác động của Covid-19, hoạt động ăn uống bên ngoài sụt giảm mạnh, cụ thể là chi tiêu cho tiêu dùng bên ngoài gia đình giảm 27%.

Đại diện Kantar Worldpanel cũng nêu ra dự đoán về hành vi của người tiêu dùng trong thời gian tới là họ sẽ thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu ngắn hạn. Người tiêu dùng sẽ mở rộng hoạt động mua sắm trực tuyến và sử dụng dịch vụ giao hàng tiện lợi.

Ngay cả với các DN trong ngành nông nghiệp thì việc duy trì hoạt động giữa thời Covid kéo dài là cả một thách thức lớn. Và theo đề xuất của Ts. John Walsh (Đại học RMIT) thì các DN trong lĩnh vực này nên lấy bán hàng trực tuyến làm giải pháp đối phó với tình trạng hiện nay trong nông nghiệp khi đây là điều mà một số nơi đã đang làm.

Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng trong lúc này phần lớn DN và hộ gia đình ở Việt Nam có lẽ cần tiếp tục áp dụng các kế hoạch đầu tư và tiêu dùng thận trọng. Hành vi tránh rủi ro như vậy là đương nhiên trong bối cảnh đã vào thời điểm cuối năm 2020 nhưng vẫn còn nhiều bất định trong nước và trên toàn cầu trước dịch Covid-19.

 

Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi, nhưng các cấp có thẩm quyền nên thực hiện theo cách có lựa chọn chứ không nên dùng nguồn lực để hỗ trợ cho mọi DN.

Trước tác động của dịch Covid-19, trong khuyến nghị gần đây của nhóm chuyên gia từ công ty tư vấn McKinsey & Company Inc tại Việt Nam, có nhấn mạnh ngoài sản xuất và du lịch, Việt Nam có thể tập trung tăng cường khả năng cạnh tranh của và các công ty khởi nghiệp — để tăng khả năng phục hồi của quốc gia.

Các DN vừa và nhỏ và khu vực phi chính thức cần cùng nhau tạo thành nguồn cầu nội địa quan trọng và cần được tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là trong ngắn hạn khi tốc độ tăng trưởng và thu nhập vẫn suy giảm.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm