Hỗ trợ doanh nghiệp

Kỳ vọng làn sóng doanh nghiệp Việt mua khối ngoại

Nếu trước đây, trong mua bán và sáp nhập (M&A), doanh nghiệp nội thường ở phía "bán mình". Nay, cục diện đang có xu hướng mới là doanh nghiệp nội tham gia nhiều hơn ở phương diện là người mua. Để tín hiệu này không còn là manh nha, chắc chắn Việt Nam cần phải có thêm nhiều doanh nghiệp lớn, như vậy mới đủ tiềm lực mua lại doanh nghiệp nước ngoài.

RCEP tác động thế nào đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương? / BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng áp dụng Bộ nhận diện thương hiệu

Khoảng 10 năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều thương vụ doanh nghiệp (DN) Việt mua lại các công ty nước ngoài. Theo kỳ vọng của các chuyên gia, làn sóng này sẽ còn được kích hoạt mạnh mẽ trong năm 2021, do nhiều công ty nước ngoài đang tái cơ cấu toàn diện từ ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Không còn thụ động chờ bị mua

Theo báo cáo từ Bộ KH&ĐT, trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 490,4 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 114 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 316,4 triệu USD (bằng 89,4% so với cùng kỳ) và 30 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm gần 174 triệu USD (tăng 65,7%).

DN-noi-mua-lai-DN-nuoc-ngoai-3618-160689

Doanh nghiệp Việt cần lớn mạnh để nắm thế chủ động trong "cuộc chơi" M&A.

Một trong những cách mà các DN tiếp cận thị trường nước ngoài nhanh nhất là thông qua hoạt động M&A. Mới đây, để thực hiện bước đi trong chiến lược phát triển thương hiệu ô tô toàn cầu của mình, VinFast đã mua lại Trung tâm thử nghiệm Lang Lang của Công ty GM Holden (Australia). Việc sở hữu Lang Lang được kỳ vọng sẽ giúp VinFast đẩy mạnh quá trình tự chủ sản xuất xe hơi, tiến gần mục tiêu ra mắt những mẫu xe có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Trước đó, FPT cũng thôn tính RWE IT Slovakia - công ty thành viên của Tập đoàn hàng đầu châu Âu RWE. Đây cũng là thương vụ M&A đầu tiên của một DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, từ năm 2013, Vinamilk đã chi 10 triệu USD mua lại Driftwood - nhà máy sữa tại Mỹ thành lập năm 1920 và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học Nam California hơn 50 năm qua. Đến năm 2016, công ty sữa của Việt Nam chính thức sở hữu 100% cổ phần nhà máy này. Năm 2019, Vinamilktăng gấp đôi vốn đầu tư, lên 20 triệu USD, giúp Driftwood đạt doanh thu 114 triệu USD cùng năm.

Ở thị trường trong nước, DN nội dường như cũng không còn thụ động để chờ bị mua lại. Những thương vụ M&A trong năm 2019-2020 phải kể tới như Massan và công ty thành viên với các thương vụ với VinCommerce, Starck, NET, 3F;Vinamilk sở hữu Mộc Châu Milk và đặc biệt là thương vụ Tập đoàn Danh Khôi mua lại 100% dự án Sun Frontier từ tay nhà đầu tư Nhật Bản.

Các DN trong nước cũng chọn cách liên kết với nhau để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nhà đầu tư nước ngoài. Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đang rốt ráo thực hiện M&A với DRC, SRC, Casumia và Cao su Inonue Việt Nam. VRG cho biết các thương hiệu này sẽ giúp khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su và là nòng cốt để phát triển sản phẩm săm, lốp trong tương lai.

 

Cần thêm nhiều DN lớn

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), những thương vụ DN Việt mua lại nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng, tỷ trọng Việt - Việt, Việt - nước ngoài trong các thương vụ đang tăng. Bên cạnh đó là xu hướng nhiều DN Việt chủ động mua DN ở nước ngoài để làm đầu cầu nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam thay vì tự tìm các đầu mối ở thị trường xuất khẩu đang gia tăng. Hiện, đã có nhiều thương vụ trở thành các chuỗi trong nước để tăng sức chống chọi đã xuất hiện trong ngành bán lẻ và sản xuất.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, DN tư nhân trong nước quy mô lớn đã xuất hiện và tăng khá nhanh trong hơn 1 thập kỷ vừa qua. Ban đầu, hầu hết DN tư nhân Việt quy mô lớn nổi lên nhờ tập trung vào đầu tư, kinh doanh bất động sản nhưng đến nay bắt đầu có một số DN tư nhân quy mô lớn chuyển một phần đầu tư sang các lĩnh vực khác đa dạng hơn như công nghiệp chế tạo, năng lượng, các dịch vụ ngân hàng, thương mại, vận tải, giáo dục...

"Vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội đều đòi hỏi chúng ta phải tự thay đổi. Và để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phải lấy kỹ năng chuyên môn, công nghệ tiên tiến và hệ thống quản trị hiện đại làm nền tảng cho sức mạnh của bản thân DN, đồng thời biết tạo những liên kết cần thiết để bù đắp những thiếu hụt và nhân lên sức mạnh của các bên tham gia", bà Lan nhìn nhận. Đồng thời cho rằng, các DN tư nhân Việt Nam rất cần tăng cường kết nối, hợp tác với nhau và với các DN khác ở trong nước, hội nhập từ bên trong trước khi hoặc ít nhất là cùng lúc với hội nhập với bên ngoài.

"Liên kết và hội nhập chính là chiếc chìa khoá mở cánh cửa cho DN tư nhân bước vào không gian phát triển mới. Trong hơn 3 thập niên vừa qua, nhiều DN tư nhân đã thành công khi tham gia các hoạt động kinh doanh trong nước và toàn cầu", bà Lan nhấn mạnh.

 

Tuy vậy, các DN chỉ có thể thực hiện mua lại các DN khác khi mình đã lớn mạnh. Vì thế,bà Lan cũng cho rằng cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh cho khu vực DN tư nhân "bởi thể chế nào, DN nấy".

"Chúng ta mong muốn kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế thì bên cạnh nỗ lực của bản thân các DN trong khu vực này, việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh phải là tiền đề số một", bà Lan nói.

Theo TS. Nguyễn Thị Luyến, Viện CIEM, DN tư nhân hầu hết có quy mô nhỏ (98,8% DN tư nhân thuộc diện vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ). Số lượng DN từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ quy mô vừa lên quy mô lớn rất thấp. Hay nói cách khác, DN Việt Nam thiếu vắng lực lượng DN quy mô vừa và lớn, đặc biệt là các DN lớn có tầm quốc tế.

Do vậy, bà Luyến cho rằng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các loại hình kinh doanh; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân phát triển, cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các DN tư nhân liên kết với nhau và liên kết với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm