Khoảng 25.000 hướng dẫn viên du lịch tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ
Sắp diễn ra sự kiện trình diễn và chế biến 100 món ăn ngon từ rau, củ, quả và hoa Đà Lạt / Quảng Bình: Bãi biển Đá Nhảy cần làm sạch rác thải
28.000 hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp do đại dịch
Theo Cơ sở dữ liệu trực tuyến HDV du lịch (Tổng cục Du lịch), tổng số HDVDL cả nước (tính đến thời điểm trước năm 2020, khi chưa có dịch COVID-19) là khoảng trên 28.000 người. Trong số này ước tính, chỉ khoảng 10% trong số này được ký hợp đồng có biên chế với DN lữ hành, còn lại là làm việc theo kiểu HDV vệ tinh, HDV tự do.
Hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với tất cả người trong nghề du lịch khắp toàn quốc bỗng thành thất nghiệp chỉ sau 1 đêm. Nhiều người trong số họ phải tìm cách thay đổi về nghề nghiệp, vì nếu không có sự thay đổi và thì chỉ có nằm chết đói. Chị Tâm, một hướng dẫn viên ở Thái Bình phải xoay chuyển làm đủ nghề, từ làm bánh, nấu xôi, bán chè….việc gì chị cũng làm, cốt chỉ để có tiền trang trải cuộc sống cho gia đình. Cùng lâm vào cảnh khó khăn, anh Hoàng Quốc Phong - Admin của Câu lạc bộ Hướng dẫn viên Việt Nam chuyển sang làm môi giới bất động sản.
Anh Trần Anh Tuyến, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch Quảng Bình cho biết: “Giờ tôi không thể sống bằng nghề du lịch. Với hơn 15 năm trong nghề làm HDVDL, tôi giờ đành gác lại chuyển sang kinh doanh quán ăn, nhưng quán ăn mùa dịch vẫn vắng khách, nên cũng rất khó khăn”.
Anh Tuyến chia sẻ: Sau khi ra trường năm 2004, anh theo nghề HDVDL tại Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, năm 2017, anh rời đơn vị Nhà nước để sang làm HDVDL tự do. Những năm chưa có dịch, vào mùa du lịch cao điểm, anh đi theo tour, tuyến rất nhiều, mỗi tháng có thu nhập từ 15-20 triệu đồng. Từ khi có dịch, thu nhập bỗng chốc trở về con số 0.
Hình ảnh quen thuộc của một HDVDL trong mùa đại dịch COVID- 19- Hình ảnh mang tính chất minh họa.
“Từ khi dịch bệnh, những bạn bè từng làm trong nghề du lịch trước đây với tôi, hầu hết đều chuyển sang làm nghề môi giới bất động sản, Shipper, phụ hồ, làm vườn hoặc bán hàng online. Hiện nay, những người sống bằng nghề HDVDL hầu như rất ít và thu nhập cũng không có”, anh Tuyến chia sẻ.
Anh Hoàng Trọng Tấn ở Quảng Bình là HDVDL nội địa, từng làm thuyết minh viên tại điểm du lịch động Thiên Đường, sau chuyển sang làm HDVDL cho một số khách sạn tại TP Đồng Hới, nay, phải chuyển làm nghề Shipper.
Theo chia sẻ của anh Tấn, khi chưa có dịch bệnh COVID-19, nghề HDVDL của anh rất thịnh hành và có giá. Mỗi tháng từ nghề HDVDL, anh có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Vì dịch bệnh, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, anh làm nghề Shipper, mỗi tháng, thu nhập cũng được 7 triệu đồng, nhưng trừ chi phí xăng xe, thu nhập còn lại cũng chẳng được bao nhiêu. Sau mấy tháng bôn ba làm nghề Shipper, anh cũng đành bỏ nghề Shipper và đang tìm kiếm nghề khác để kiếm sống, đắp đổi qua ngày.
Cũng theo anh Tấn: “Hai vợ chồng đều làm trong ngành du lịch, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thu nhập của gia đình đã giảm đi đáng kể và gặp rất nhiều khó khăn, tiền tích trữ lấy ra ăn hết, vợ chồng phải chạy vạy khắp nơi để kiếm sống. Hơn 10 năm theo nghề HDVDL, giờ dịch bệnh kéo dài, không biết tương lai sẽ như thế nào, mong dịch bệnh qua đi để trở lại nghề…”.
Khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ
Anh Hoàng Quốc Phong - Admin Câu lạc bộ (CLB) hướng dẫn viên Việt Nam cho biết: “Hiện CLB có hơn gần 50 thành viên, trong đó khoảng 1/3 là HDV tự do, hoạt động mang tính thời vụ và hoặc hợp đồng theo tour, số lượng HDV chính của công ty rất ít, còn lại là các HDV có tham gia hiệp hội của địa phương, hoặc Hiệp hội Du lịch Việt Nam..”
Theo anh Phong: “Khi nhận thông tin có gói hỗ trợ từ Chính phủ thì anh em HDV rất phấn khởi, nhưng lại gặp số khó khăn, trở ngại về điều kiện thủ tục. Cụ thể, điều kiện bắt buộc phải có thẻ HDVDL do Hiệp hội cấp và hợp đồng lao động thì nhiều người không đáp ứng được. Về thẻ hướng dẫn viên thì nhiều HDV hoạt động tự do, hợp đồng lao động thì cả 2 năm nay công ty du lịch hầu như đóng cửa, thì lấy đâu ra hợp đồng lao động để nộp”.
Để giảm bớt thủ tục cho HDVDL theo anh Phong: “Chỉ cần HDV có thẻ còn hạn sử dụng là có thể làm đơn, hồ sơ để nhận hổ trợ. Gói cứu trợ lần này số tiền đến tay HDVDL tuy không nhiều, nhưng một phần nào đó giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn hiện tại".
Theo anh Cao Văn Hải - một HDVDL ở khu vực phía Bắc: “Hợp đồng lao động (HĐLĐ) của HDV hầu hết đều mang tính thời vụ, không yêu cầu đóng bảo hiểm. Hiện tại, chỉ có Công ty Du lịch Saigontourist và Công ty Du lịch Vietravel và số ít công ty du lịch lớn có nhân viên chính thức và đóng BHXH, BHYT, nên yêu cầu có HĐLĐ sẽ loại bớt các HDVDL tự do trong diện hỗ trợ. Bên cạnh đó, HDVDL phải là hội viên trong một Hiệp hội du lịch nào đó cũng là điều kiện gây khó, vì số lượng rất đông HDVDL không tham gia Hiệp hội".
“Cứu trợ là sự thể hiện “không bỏ lại một ai ở phía sau” trong cuộc chiến chống dịch của Chính phủ. Vì vậy, mong các cơ quan có thẩm quyền đơn giản hoá các thủ tục để những người làm ngành “kinh tế mũi nhọn” cảm thấy được quan tâm một phần”, anh Cao Văn Hải đề nghị.
HDVDL trong một cuộc hội ngộ, học tập và chia sẻ về tuyến điểm.
Theo anh Trần Anh Tuyến, Chủ nhiệm CLB HDVDL Quảng Bình: “Đa phần các HDVDL sinh hoạt ở CLB đều ở dạng làm việc tự do. Hiện tại, CLB đã lập danh sách 58 HDVDL tự do gửi sang Hiệp hội Du lịch Quảng Bình để xem xét, kiến nghị được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ”.
Cần lắm một chính sách nới lỏng!
Theo bà Trần Thanh Vân, Giám đốc một công ty du lịch ở TP Hồ Chí Minh, từ khi dịch bệnh đến nay, du lịch ngừng hoạt động công ty không trả lương cho HDVDL nhưng vẫn đóng BHXH, BHYT cho nhân viên để duy trì BHYT, phòng khi người lao động bị mắc bệnh vẫn có thể được hưởng BHYT. Cho nên, nếu đặt điều kiện là phải ngừng hợp đồng lao động thì khó cho HDVDL của công ty được nhận hỗ trợ, vì thực tế công ty vẫn đóng BHXH, BHYT cho nhân viên, nhưng do họ không có việc làm, công ty cũng không thể trả lương".
Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do COVID-19, từ Điều 31 đến Điều 34 quy định hướng dẫn cụ thể điều kiện, quy trình hỗ trợ đối với nhóm đối tượng là hướng dẫn viên du lịch (HDVDL).
Theo đó, HDVDL được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: có thẻ HDVDL theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDVDL tại điểm. Mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người, được trả 1 lần cho người lao động".
Hình ảnh những HDVDL tuyến đầu năng động của 3 miền Bắc-Trung-Nam.
Theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để nhận được số tiền hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ: “Nếu HDVDL không có hợp đồng lao động thì hướng dẫn viên phải là hội viên của Hiệp hội về hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra, các hướng dẫn viên còn phải có Thẻ hướng dẫn viên được cấp lần đầu trước ngày 1/5/2021 và còn hạn sử dụng".
Hiện nay, các Hiệp hội Du lịch đang rà soát, lập danh sách những hội viên của Hiệp hội để đưa gói hỗ trợ này đến tận tay HDVDL. Để cho số tiền hỗ trợ của nhà nước có thể sớm tới tay các HDVDL, nhiều ý kiến cho rằng: Cần lắm một chính sách nới lỏng, phù hợp với đặc thù của nghề HDVDL để sao cho chính sách có thể đi vào cuộc sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo