Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến nghị không quy định đại lý thanh toán duy trì số dư tại ngân hàng

DNVN - VCCI kiến nghị không quy định bắt buộc đại lý duy trì số dư tại ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ. Thay vào đó, cho phép các ngân hàng thoả thuận với đại lý về biện pháp kiểm soát rủi ro một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế và nhu cầu của ngân hàng.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội ‘bị ế’ / VCCI kiến nghị bỏ quy định về quy hoạch quảng cáo ngoài trời

Góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý thanh toán (Dự thảo) do Bộ Tài chính soạn thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số kiến nghị trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp thành viên.

Về duy trì số dư tại tài khoản thanh toán, Điều 7.4 Dự thảo yêu cầu bên đại lý là tổ chức khác phải duy trì tài khoản thanh toán tại bên giao đại lý để thực hiện nghiệp vụ giao đại lý trong phạm vi số dư do bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận.

Đồng thời, Điều 5.1.b Dự thảo quy định bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán.

Theo VCCI, về bản chất, tài khoản thanh toán của bên đại lý là khoản tiền ký quỹ để bảo đảm nghĩa vụ với khách hàng, và số tiền ký quỹ có thể lên tới 200 triệu đồng - tương ứng với hạn mức giao dịch tối đa mỗi ngày.


Theo các doanh nghiệp, quy định đại lý phải duy trì tài khoản thanh toán tại bên giao đại lý là không hợp lý.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp bởi lẽ ngân hàng có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp bên đại lý có vi phạm (Điều 9.2 Dự thảo).

Ngân hàng có nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro khác bên cạnh việc ký quỹ như bảo lãnh từ bên thứ ba, dùng tài sản khác để bảo đảm nghĩa vụ. Ngân hàng là một tổ chức kinh tế nên có thể đánh giá và chấp nhận mức độ rủi ro nhất định để khuyến khích phát triển đại lý trong giai đoạn đầu, trong đó có tự quyết định về mức độ kiểm soát rủi ro thích hợp.

Ngoài ra, việc yêu cầu ký quỹ sẽ khó phát triển mạng lưới các đại lý nhỏ, đặc biệt là ở các địa bàn thu nhập thấp, phải ứng trước và duy trì số dư tài khoản trong khi lợi ích chưa rõ ràng.

Từ những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định bắt buộc đại lý duy trì số dư tại ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ. Thay vào đó, cho phép các ngân hàng thoả thuận với đại lý về biện pháp kiểm soát rủi ro một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế và nhu cầu của ngân hàng.

Về phí đại lý, Điều 7.5 Dự thảo quy định mức phí mà ngân hàng thu của khách hàng thông qua bên đại lý không cao hơn mức phí mà ngân hàng cung ứng dịch vụ đang áp dụng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp.

Hiện nay, mức phí ngân hàng áp dụng đối với các giao dịch thanh toán rất thấp, trung bình 0,025 – 0,04%. Trong trường hợp hạn mức giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày như Dự thảo, tiền phí thu được của mỗi điểm đại lý sẽ không quá 50.000 – 80.000 đồng/ngày. Mức này là mức quá thấp để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này khi phải đầu tư cơ sở vật chất và đáp ứng các điều kiện kinh doanh khác theo quy định.

Một tình huống khác là ngân hàng có thể thoả thuận trả phí đại lý với mức cao hơn phí giao dịch thu được từ khách hàng, nhưng như vậy là ngân hàng bù lỗ cho hoạt động đại lý, dẫn đến mô hình hợp tác không thể ổn định và lâu dài.

Do vậy, để khuyến khích hoạt động đại lý và bảo đảm tính bền vững trong hoạt động kinh doanh, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép các ngân hàng và đại lý thoả thuận mức phí dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm