Kinh doanh bền vững hướng tới người thu nhập thấp
DNVN - Kinh doanh hướng tới người thu thu nhập thấp được đánh giá là một mô hình mang lại hiệu quả dành cho khu vực tư nhân Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững.
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp
Ngày 8/10, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị bàn tròn "Doanh nghiệp về mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp" do Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (UN-ESCAP), Mạng lưới hành động hướng tới doanh nghiệp thu nhập thấp (iBAN), phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Armin Bauer - Chuyên gia Ủy ban Kinh tế xã hội Châu Á, Thái Bình Dương; bà Trịnh Thị Hương - Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư); bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó TBT Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam cùng đại diện các tổ chức nước ngoài và nhiều doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, ở Việt Nam, số người thu nhập thấp còn khá nhiều. Chính phủ đã có nhiều việc làm hỗ trợ, để hướng tới công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của các nhóm yếu thế, những người thu nhập thấp.
Theo ông Nam, thời gian qua, đã có những dự án hỗ trợ người nghèo với nguồn kinh phí rất lớn từ Ngân hàng thế giới, nhưng khi triển khai kết quả không được như mong muốn, dẫn đến rất lãng phí và thiệt thòi cho người thu nhập thấp.
Việc UN-ESCAP triển khai dự án nghiên cứu khoa học về thực trạng mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp tại Việt Nam là một nội dung rất mới và góp phần vào việc thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam khác với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, vậy đề nghị UN-ESCAP nghiên cứu, lắng nghe các ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp xuất phát từ thực tế hoạt động tại Việt Nam trong hội thảo ngày hôm nay. Qua đó, giúp công trình nghiên cứu triển khai khả thi tại Việt Nam. Trong đó, chú ý đến công cụ để nhận biết các doanh nghiệp IB trong quá trình lựa chọn. Qua đây, đề nghị các chuyên gia sớm đề xuất với Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (UN-ESCAP) thực hiện thí điểm đề án trên tại Việt Nam. Với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp tiên phong để phối hợp thực hiện dự án.
Quang cảnh của hội nghị tại phiên thảo luận 2
Ông Armin Bauer - Chuyên gia Ủy ban Kinh tế xã hội Châu Á, Thái Bình Dương cho biết, để tăng cường thương hiệu và doanh tiếng cho doanh nghiệp thuộc diện thu nhập thấp, cũng như tạo ra công cụ tiến tới các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho những doanh nghiệp đó, nhiều doanh nghiệp trong khu vực ASEAN đã tham gia mô hình IB.
Điều này sẽ giúp các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ đánh giá và tư vấn để giải quyết các vấn đề có liên quan đến người nghèo và người có thu nhập thấp.
Ông Armin Bauer cho biết thêm, tại Việt Nam đã có những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nông nghiệp tham gia mô hình kinh doanh IB lại có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung như cung cấp dịch vụ và giá cả phải chăng cho người nghèo. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống của các nhóm yếu thế, những người thu nhập thấp.
"Các mục tiêu phát triển bền vững đặc biệt phù hợp đối với các vấn đề phức tạp mà các Quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam gặp phải. Thông qua việc kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục vai trò của mình trong hành trình tiến tới một nền kinh tế toàn cầu bình đẳng, bền vững và hội nhập hơn.
Vai trò của các doanh nghiệp là không thể thiếu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và hành động của khu vực này là chìa khóa dẫn đến thành công của mỗi mục tiêu thông qua hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, áp dụng mô hình kinh doanh mới, đầu tư, sáng tạo và đổi mới công nghệ và hợp tác”, Ông Armin Bauer cho hay.
Nói về một số dự án của quốc tế nhằm hỗ trợ Việt Nam đã không đạt được thành công như mong đợi trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó TBT Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam đã chỉ ra nhiều nguyên nhân.
Cụ thể là sự điều phối chưa nhất quán, một dự án thường có nhiều bên tham gia, các tiêu chí không cụ thể, thiếu thống nhất, nhân sự thường thay đổi, thiếu chính sách cụ thể, công tác truyền thông chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân, vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp còn chưa tích cực. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ và chưa đáng tin cậy và lựa chọn đối tượng khảo sát thực tế giai đoạn tiền dự án chưa chuẩn.
Để mô hình kinh doanh IB thuận lợi trong thời gian tới, bà Hường cho rằng: Chủ doanh nghiệp có nhận thức tốt về kinh doanh hoà nhập, hỗ trợ người có thu nhập thấp; Doanh nghiệp có sản phẩm, ngành nghề kinh doanh, chế biến, thu mua, thương mại... phù hợp để thu hút người lao động là người có thu nhập thấp.
Đồng thời, doanh nghiệp cần có đề án nhằm mở rộng kinh doanh, thu hút người lao động có thu nhập thấp. Có mục tiêu rõ ràng và các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tốt và phải có báo cáo thẩm định của Hiệp hội doanh nghiệp.
Đức Linh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo