Kinh doanh thời nay: Làm sao để các SME không "chết yểu"?
DNVN - Tại Tọa đàm "Kinh doanh thời nay - Khó khăn và Giải pháp dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam" do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (TAC) và Công ty Cổ phần Bizen Việt Nam tổ chức vào sáng 09/5 tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích để DN nhỏ và vừa trụ vững trong thời đại hội nhập sâu rộng...
Để vượt qua khủng hoảng doanh nghiệp, dù là công ty nhỏ hay lớn, hãy nhớ những điểm cốt yếu này / Italia mong muốn chia sẻ kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa với Việt Nam
Chuyên gia Quang Minh - Chủ tịch – CEO Cty CP Bizen Việt Nam - người sáng lập và tổ chức Dự án BizKafe cho biết: Tọa đàm được tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các SME, trở thành sự kiện được nồng nhiệt đón nhận bởi cộng đồng SME Việt Nam bởi sự chuyên nghiệp, độc đáo không chỉ ở quy mô mà còn ở phương thức tiếp cận khoa học, giải quyết vấn đề của doanh nghiệp một cách thực tiễn, thiết thực với doanh nghiệp.
Chuyên gia Quang Minh - Chủ tịch – CEO Cty CP Bizen Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.
Theo ông Minh, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các SME, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phong trào khởi nghiệp và nền kinh tế chuyển đổi. Đây là vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các SME Việt Nam. Việc nhận biết các đặc điểm của thời đại cùng với nhận diện những khó khăn nội tại của bản thân DN là việc không hề đơn giản.
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Văn Khương, Giám đốc TAC cho biết: Trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay, các SME gặp rất nhiều khó khăn bởi đặc điểm quy mô nhỏ của mình. Mỗi doanh nghiệp gặp những vấn đề nội tại, khó khăn riêng, rất khác nhau. Vì vậy, qua tọa đàm này, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi cùng các chuyên gia có kinh nghiệm, giúp doanh nghiệp phát hiện, xác định vấn đề của mình, từ đó có định hướng giải quyết một cách triệt để thông qua các hoạt động hỗ trợ tư vấn của chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới, tối ưu nguồn lực để phát triển bền vững.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Trong tháng 03 đầu năm 2019, số doanh nghiệp đăng ký mới là 28.451 doanh nghiệp, 15.050 doanh nghiệp quay lại hoạt động (89,8% vốn dưới 10 tỷ đồng), và 700.000 SME đang hoạt động. Trong khi đó, 43.716 DN tạm dừng hoạt động, chờ giải thể, giải thể (92,1% vốn dưới 10 tỷ đồng).
Chuyên gia Lê Cẩm Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Danny đã đưa lời khuyên cho các SME về chiến lược phát triển. Theo bà Cẩm Vân, chiến lược phát triển doanh nghiệp là điều cần có trước khi DN thực hiện bất cứ bước nào trong tiến trình hoạt động. Thực tế nhiều DN gặp khó khăn trong vấn đề tài chính - kế toán, theo đó có thời điểm hoạt động kinh doanh phát đạt nhưng sau đó lại không giữ được "phong độ". Đây là lý do vì sao không ít DN khi đối mặt với sự phát triển mở rộng lại không thể đi xa hơn so với giai đoạn thịnh vượng.
"Trước khi đến giai đoạn phát triển thịnh vượng, các DN đã phải vạch ra được chiến lược phát triển rõ ràng để tránh thất bại", bà Cẩm Vân nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia Đặng Thanh Vân - Chủ tịch Công ty CP Thương hiệu và QT Thanhs lại đề cập đến sự khác biệt về hoạt động kinh doanh của giới trẻ hiện nay so với thế hệ kinh doanh lớn tuổi trước đây.
Theo bà Thanh Vân, quan điểm "chất lượng sản phẩm không quan trọng bằng mối quan hệ" chỉ tồn tại trong quá khứ. Hiện tại là câu chuyện minh bạch và DN cần lưu ý vì mọi thứ hiện nay đều có thể dùng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó họ hiểu rõ DN.
Ngoài ra, một đặc điểm khác trong hoạt động kinh doanh thời nay khác xưa là thế hệ Z (công dân đám mây) lên ngôi. Chỉ 5 năm nữa sẽ là thời đại của thế Z phát triển mạnh mẽ. Khi đó, nếu DN chưa hiểu họ, chưa lấy trải nghiệm của họ làm thước đo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và không dùng AI thì DN tất yếu sẽ thất bại.
"Kinh doanh thời nay nếu DN không quan tâm đến Cách mạng Công nghiệp 4.0, công nghệ digital thì cần phải thay đổi ngay", bà Thanh Vân nhấn mạnh.
Tọa đàm thu hút rất nhiều đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa tham dự.
Xu hướng doanh nghiệp tinh gọn cũng là điều được nữ chuyên gia này gợi ý cho các SME. Theo đó, thay vì xây dựng mô hình kinh doanh quá quy mô, DN nên tinh gọn theo hướng 1 người làm được nhiều việc. Doanh nghiệp cũng phải hiểu thế hệ Z không sùng bái cá nhân như trước đây. Thương hiệu cá nhân không đóng vai trò quan trọng nhất, mà thương hiệu của nhãn hàng và đem lại giá trị cho khách hàng mới là điều quan trọng. Khi thương hiệu DN có uy tín rồi, chủ DN mới rảnh rang tập trung vào thương hiệu cá nhân, truyền tải tâm huyến để tạo thêm danh tiếng. Khi đó, danh tiếng cá nhân nâng cao danh tiếng DN.
Giải đáp câu hỏi của một đại diện doanh nghiệp tại tọa đàm rằng "Làm thế nào để minh bạch được hiệu quả của DN mà vẫn đảm bảo tối đa hóa lợi nhuận của DN?", chuyên gia Cẩm Vân khẳng định, việc DN không lưu tâm đến bộ phận tài chính - kế toán là một sai lầm lớn. Lý giải cho điều này, bà Vân cho biết mọi sự bắt nguồn, mọi sự gắn kết đều từ bộ phận tài chính - kế toán.
Theo bà Cẩm Vân, hiện thuế không còn cao như trước, cơ quan thuế càng ngày dùng nhiều phương pháp, chính sách để lấp lỗ hổng ngày xưa và thực hiện việc quản trị chặt.
"Do đó, tốt hơn hết, các DN phải xác định đóng thuế là nghĩa vụ, quyền lợi. DN hãy tìm cách tiết kiệm thuế chứ không trốn thuế. Cứ trốn thuế và không minh bạch trong sổ sách kế tón sẽ rất khó để để tiếp cận được nguồn vốn trong khi đấy là vấn đề sống còn của DN", chuyên gia Cẩm Vân gợi ý.
Đồng ý với quan điểm của bà Cẩm Vân, ông Quang Minh cho rằng, DN cần có chiến lược rõ ràng, nhìn vào chiến lược đó và thực hiện để không bị chệch mục tiêu, để không rơi vào tình trạng "lỗ hà ra lỗ hổng". Doanh nghiệp kinh doanh thời nay không thể không minh bạch. Chỉ khi minh bạch thì việc tiếp cận vốn của DN, đặc biệt là các SME, mới được dễ dàng, qua đó góp phần ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo