Long An yêu cầu doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động tạm trú, cư trú trên địa bàn tỉnh
Long An: Huy động nhân lực có chuyên môn y tế cho các Bệnh viện dã chiến / Từ ngày 5/9 Vĩnh Long thực hiện giãn cách cao hơn Chỉ thị 15
Đến nay, công tác phòng chống dịch của tỉnh đạt được kết quả rất khả quan, cơ bản vượt qua đỉnh dịch, tổng số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong giảm dần, tỷ lệ tiêm vaccine toàn dân đạt rất cao. Tỉnh Long An thực hiện linh hoạt các biện pháp khi tình hình dịch COVID-19 có sự thay đổi, bảo đảm hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng chống, dịch.
Giai đoạn 1, từ ngày 15/9 đến ngày 15/10. Các doanh nghiệp được phép hoạt động là doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ, các doanh nghiệp có lao động đang ở lại thuộc diện chưa được thẩm định hoặc thẩm định chưa đạt phương án “3 tại chỗ" thì phải được thẩm định đạt yêu cầu mới được hoạt động.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (Thực hiện theo Văn bản số 4481/BCT-TTTN, ngày 27/7 của Bộ Công Thương và các văn bản pháp lý có liên quan). Các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, trong giai đoạn 1, UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động đang cư trú, tạm trú trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với chuyên gia, nhà quản lý đang ở ngoài địa bàn tỉnh có thể điều hành doanh nghiệp từ xa. Trường hợp có nhu cầu vào tỉnh làm việc phải bảo đảm các quy định về y tế và phải ở lại tỉnh trong quá trình làm việc. Người lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và thời gian tiêm ít nhất 14 ngày (trừ trường hợp có chỉ định của cơ quan y tế).
Doanh nghiệp được hoạt động tối đa 50% số lượng lao động so với điều kiện bình thường, doanh nghiệp tự quyết định việc bố trí nơi lưu trú cho người lao động ở tập trung trong doanh nghiệp (phương án “4 tại chỗ": “3 tại chỗ" và y tế tại chỗ) hoặc về nơi cư trú bên ngoài (nhà trọ, nhà riêng...), hoặc kết hợp cả hai hình thức.
Trường hợp người lao động về nơi cư trú bên ngoài thì doanh nghiệp phải tổ chức đưa, đón bằng phương tiện chung (người lao động không được đi, về bằng phương tiện cá nhân). Riêng người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine được di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong địa bàn huyện, thị xã, thành phố nơi doanh nghiệp hoạt động nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Doanh nghiệp phải tổ chức các điểm tập kết người lao động (bảo đảm nguyên tắc “5K") để đưa rước và phải thông báo với chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã nơi có điểm tập kết để giám sát. Người lao động cam kết với doanh nghiệp và chính quyền địa phương cấp xã phải đảm bảo nguyên tắc “5K" và chỉ được di chuyển từ điểm tập kết về đến nhà.
Đối với phương tiện đưa đón phải đăng ký số phương tiện, tài xế, cung đường đi và về, để cơ quan có chức năng quản lý, giám sát. Phải bảo đảm nguyên tắc trên một phương tiện đưa đón chỉ có người lao động của một doanh nghiệp. Người lao động đi xe nào về xe đó, bố trí người lao động chung chuyến, chung xưởng và ngồi theo sơ đồ vị trí cố định, phải niêm yết tên người lao động trên ghế ngồi.
Nhà xe phải bảo đảm công nhân lên xe được đo thân nhiệt, giám sát chặt người có biểu hiện ho, sốt, quản lý chỗ ngồi cố định trên phương tiện đưa đón, không được phép dừng, đỗ, đi vào những nơi khác để người trên xe tiếp xúc với người trên đường, thực hiện khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến đi, về. Người lao động trước khi trở lại doanh nghiệp làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72h.
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm định kỳ bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp tối đa 10 người), tối đa 7 ngày/lần đối với người lao động thường xuyên tiếp xúc với bên ngoài cộng đồng. Người lao động còn lại luân phiên xét nghiệm định kỳ bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp tối đa 10 người), tối đa 7 ngày/lần, mỗi lần ít nhất 20% tổng lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp khi hoạt động phải cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, phải bố trí nơi dự kiến cách ly F0, F1 để dự phòng khi có tình huống dịch bệnh xảy ra và có bộ phận y tế làm nhiệm vụ kiểm soát dịch COVID-19 tại doanh nghiệp.
Giai đoạn 2, sau ngày 15/10, tùy vào diễn biến dịch, UBND tỉnh sẽ có quy định cụ thể sau.
End of content
Không có tin nào tiếp theo