Hỗ trợ doanh nghiệp

Nghịch lý: Số người mất việc tăng đột biến, doanh nghiệp vẫn than khó tuyển lao động

DNVN - Theo Tổng cục Thống kê đến tháng 6 Việt Nam có 30,8 triệu lao động ảnh hưởng bởi Covid-19 trong đó có 897.500 người thất nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có rất nhiều các chủ doanh nghiệp kêu thiếu nhân sự và đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự.

Hà Nội: Người lao động khó khăn, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ / TP.HCM hỗ trợ công nhân, lao động mất việc làm do dịch COVID-19

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) mới công bố thì tới tháng 6, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó có 897.500 người thất nghiệp và 2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. Báo cáo của GSO cũng cho biết Covid-19 đã khiến đa số người lao động bị mất việc vào tháng 4.

Từ nay đến cuối năm, số lao động mất việc có khả năng sẽ tăng nếu như không có biện pháp thúc đẩy hành động kinh doanh không được thực hiện quyết liệt. “Khả năng 5 triệu người mất việc vào cuối năm không phải là không thể xảy ra”, bà Vũ Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động cho biết.

Hậu Covid-19: Số người mất việc tăng đột biến, chủ doanh nghiệp vẫn than khó tuyển nhân viên (Ảnh minh họa)

Hậu Covid-19: Số người mất việc tăng đột biến, chủ doanh nghiệp vẫn than khó tuyển nhân viên (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với những con số thống kê về tình trạng người lao động bị mất việc làm có dấu hiệu tăng cao do dịch bệnh Covid-19 thì hiện tại có rất nhiều các chủ doanh nghiệp (DN) vẫn đang vô cùng khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự và tình trạng thiếu lao động vẫn đang xảy ra ở rất nhiều công ty trong thời điểm hiện tại.

Anh T.H.C vốn là giám đốc của một công ty du lịch lữ hành có văn phòng giao dịch tại quận Đống Đa. Từ đầu năm khi dịch bệnh bùng phát cộng với chỉ thị cách ly xã hội thì mọi hoạt động tại công ty anh gần như đóng băng hoàn toàn. Vì không có việc làm và bị giảm thu nhập trong mấy tháng liên tiếp khiến cho các nhân viên bán hàng của anh đã xin nghỉ gần hết.Việc tuyển dụng nhân viên mới vẫn chưa có được kết quả.

Anh C cho biết “dịch bệnh lần này quả thực quá khủng khiếp. Tất cả những nhân viên từng làm với mình có những người đã gắn bó 5 năm, 7 năm, thậm chí 10 năm và cũng có những người mới gắn bó với mình vài tháng nhưng vì nhiều lý do nên mọi người đã xin nghỉ gần hết. Thời điểm hiện tại, khi du lịch trong nước đang được đẩy mạnh và mùa du lịch đến, hợp đồng bắt đầu về nhiều dần lên, những người còn lại đang quá tải công việc nhưng thời điểm này để tuyển dụng được nhân sự không phải là dễ. Mình đã yêu cầu hành chính đăng tin tuyển dụng trên nhiều kênh nhưng đến hiện tại vẫn chưa có ứng viên phù hợp”.

Trên một Group có các thành viên là các CEO, vấn đề tuyển dụng người lao động hậu Covid-19 cũng được bàn bán sôi nổi. Anh N.T.G vốn là một CEO của một chuỗi các Spa và sở hữu nhiều doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau lên tiếng “ lý thuyết là 31 triệu người lao động mất việc làm và giảm thu nhập mà sao tuyển nhân viên vẫn khó quá”.

Anh Nguyễn Mạnh Hà cùng quan điểm “100 hồ sơ, gọi hẹn được 10, tới phỏng vấn được 3, tuyển… bên mình hiện đang tuyển nhân viên bán hàng cũng gặp vấn đề này, rất khó tuyển dụng”.

Còn chị Lý Lê hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái xe cũng cho biết “tuyển dụng nhân sự giờ quá khó. Hiện tại em thấy người lao động chọn nhà tuyển dụng thì đúng hơn”.

Thực trạng người lao động thì kêu không có việc làm còn doanh nghiệp lại kêu khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự là một bài toán nan giải cần phải xem xét một cách hiết sức nghiêm túc từ đó cần có những giải pháp cụ thể cho vấn đề trên.

Dù là ở thời điểm nào đi nữa thì các doanh nghiệp vẫn luôn khát những nhân sự giỏi và có khả năng thích nghi. Vấn đề sẽ không chỉ còn là ở phía doanh nghiệp mà chính bản thân người lao động cũng phải tập thích nghi, nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như năng lực bản thân để có thể bắt kịp xu thế thích ứng với mọi hoàn cảnh để có thể luôn luôn chủ động được trong công việc của mình.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm