Nhận diện doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính
DNVN - Bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Những năm vừa qua, một số đối tượng lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội.
Công ty Zija Quốc tế bán hàng đa cấp đã chấm dứt hoạt động kinh doanh / Xử phạt nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Để tránh tham gia vào hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, người dân cần lưu ý những dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
Theo Bộ Công Thương, có 2 dấu hiệu chính để nhận biết doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp bất hợp pháp.
Một là, doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp không có Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp. Theo quy định, hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp rồi mới được phép hoạt động.
Do đó, khi được giới thiệu tham gia vào bất cứ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nào, người tham gia cần kiểm tra xem doanh nghiệp đó có được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay không.
Hai là, doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa. Theo quy định hiện hành, hoạt động bán hàng đa cấp chỉ được phép thực hiện đối với đối tượng là hàng hóa, tất cả các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không phải là mua bán hàng hóa đều không được pháp luật cho phép.
Ảnh minh họa.
Hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh với mô hình trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp với một số hình thức có thể kể đến như mua bán tiền điện tử, kinh doanh dịch vụ giáo dục, kêu gọi đầu tư các dự án trong đó người đầu tư được trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp… Các hình thức này là hình thức bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro. Do đó, người dân cần thận trọng, tránh tham gia vào những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này để hạn chế các rủi ro không đáng có.
Bộ Công Thương cũng lưu ý rằng, các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải hàng hóa có thể bị xử lý hành chính (tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).
Bộ Công Thương cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trong quá trình tổ chức hoạt động có hành vi hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
Theo đó, Bộ Công Thương đã đưa ra một số dấu hiệu nhận diện của hành vi bán hàng đa cấp bất chính:
Thứ nhất, yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào hệ thống
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản tiền để gia nhập hệ thống, xem như là chi phí gia nhập. Chi phí này có thể được yêu cầu dưới nhiều hình thức khác nhau: Yêu cầu nộp tiền để làm thủ tục, Yêu cầu nộp tiền đặt cọc, Yêu cầu mua một lượng hàng nhất định (thường là sản phẩm với giá đắt hơn giá thị trường hoặc gói sản phẩm theo mức giá cố định), Yêu cầu nộp tiền làm thẻ thành viên, Yêu cầu nộp tiền mua tài liệu đào tạo
Việc thu được khoản tiền này từ người bị dụ dỗ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính sẽ đạt được 02 mục tiêu chính: Thu được một khoản tiền từ người bị dụ dỗ mà không mất chi phí gì. Nếu sau đó người này có không tiếp tục tham gia dụ dỗ người khác thì cũng khó có thể đòi lại được khoản tiền này; Khiến người mất tiền bị lệ thuộc vào công ty, dẫn đến tình thế buộc phải lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác tham gia để bản thân được hoàn lại tiền.
Thứ hai, cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Mỗi người tham gia vào hệ thống đa cấp bất chính thường sẽ mất một khoản tiền chi phí ban đầu. Chi phí này sẽ được doanh nghiệp trích một phần để trả công cho người giới thiệu. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính vẫn gọi đây là hoa hồng. Tuy nhiên, hoa hồng này không phải là thành quả của hoạt động bán hàng mà xuất phát từ tiền của người mới bị dụ dỗ tham gia.
Do đó, nếu được giới thiệu tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nào có chính sách trả hoa hồng cho việc tuyển dụng, bạn cần đề phòng bởi đó là dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính.
Bạn cần phải hiểu: bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng, người bán được hưởng hoa hồng từ kết quả bán hàng của mình và kết quả bán hàng của mạng lưới người tham gia phía dưới mình, chứ không phải nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng.
Thứ ba, nói quá thông tin để dụ dỗ người khác tham gia.
Nói quá, quảng cáo gian dối là hình thức cơ bản để các đối tượng bán hàng đa cấp bất chính thu phục người mới, khiến họ mờ mắt trước những thông tin không có thất.
Việc nói quá của đối tượng bán hàng đa cấp bất chính có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: Nói quá về cơ hội làm giàu, nói quá về công dụng sản phẩm, nói quá về quy mô, sức mạnh của doanh nghiệp.
Thứ tư, không có hàng hóa hoặc hàng hóa không có giá trị, chất lượng.
Các doanh nghiệp đa cấp bất chính chỉ tập trung vào tuyển dụng người mới để thu tiền mà không quan tâm đến mua bán hàng hóa, do đó họ thường không có hàng hóa hoặc có nhưng chỉ là các hàng hóa giá rẻ, thô sơ để làm bình phong cho hoạt động thu tiền.
Các doanh nghiệp này thường dụ dỗ người tham gia nộp tiền, xuất hóa đơn nhưng không giao hàng. Để ngụy trang cho việc này, họ thường cho người tham gia ký vào các giấy tờ như phiếu gửi lại hàng, phiếu xuất kho khống, hoặc đóng dấu “đã nhận hàng” vào hóa đơn xuất cho người nộp tiền.
Một số doanh nghiệp có giao hàng nhưng hàng hóa giá trị rất thấp so với số tiền thu của người tham gia, ví dụ như thực phẩm chức năng sản xuất trong nước, đồ gia dụng xuất xứ Trung Quốc được bán với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.
Sau một thời gian, người nộp tiền không được trả hoa hồng như hứa hẹn, muốn đến đòi lại tiền thì không thể đòi lại được vì giấy tờ thể hiện họ đã nhận hàng, hoặc việc mua bán đã được thực hiện trên cơ sở thuận mua vừa bán, dù đắt nhưng người mua đã đồng ý bỏ tiền mua nên không thể đòi lại.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo