Nông sản Việt gặp nhiều thách thức khi "xuất ngoại"
Cần chính sách đủ mạnh với ngành công nghiệp hỗ trợ để đón “đại bàng” / Sắp diễn ra triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2023
Những con số ấn tượng
Tại hội thảo “Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài” ngày 14/9 tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, liên tục trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 53,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 10% so với 2021. Trong đó, nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD là gỗ, thủy sản, cà phê, cao su, gạo, rau quả, và hạt điều.
Năm 2023, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỷ USD.
Hiện Việt Nam là nhà cung ứng trong top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo…
Năm 2022, nhiều loại nông sản như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây.
Nhiều thách thức
Bên cạnh những con số ấn tượng trên, theo bà Hiền, nông sản Việt Nam đối mặt với những thách thức đến từ những quy định, luật lệ mới, được bổ sung thường xuyên tại các thị trường nhập khẩu trọng yếu.
Trong đó, EU đã ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thoả thuận Xanh châu Âu, đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hay quy định chống suy thoái rừng (EUDR). Mỹ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU.
Các doanh nghiệp giao thương trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế" tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 13-15/9.
Bà Vũ Thị Hồng Nhung - Phó phòng Chính sách sản phẩm bán buôn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đánh giá, khó khăn, thách thức của xuất khẩu nông sản Việt Nam bắt nguồn từ khả năng cạnh tranh thấp hơn với các nước trong khu vực. Mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hàng nông sản còn chưa cao do chủ yếu ở dạng nông sản thô. Doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, chi phí, quy mô, công nghệ bảo quản…
Việc thiếu hụt thông tin và kinh nghiệm trong giao dịch thanh toán quốc tế tài trợ thương mại với các đối tác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt ở khâu thanh toán. Theo kết quả khảo sát năm 2022 từ PWC, 52% số doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát từng bị lừa đảo thương mại quốc tế.
“Xanh hoá” để rộng đường xuất khẩu
Đại diện Vietcombank khuyến nghị, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin thông qua kênh ngân hàng, các sự kiện hội thảo có tính chất kết nối doanh nghiệp do các cơ quan bộ, ban ngành tổ chức. Việc này cũng đóng góp lớn nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, năng lực cạnh tranh cũng như thích ứng với các biến đổi và hạn chế các rủi ro khác.
Cũng theo bà Nguyễn Thảo Hiền, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường để giữ vững và tiếp tục phát triển thị trường thì việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu và xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.
Vì ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra. Trong đó, có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Liên quan đến xuất khẩu trái cây tươi, ông Trần Minh Thắng – Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco khuyến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng trái cây bảo đảm thơm ngon, an toàn khi đến tận tay người tiêu dùng.
Theo đó, việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết. Cải thiện công nghệ bảo quản sau thu hoạch, bảo đảm tính đồng bộ trong quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển nhằm soát ổn định được nhiệt độ, độ ẩm lý tưởng chotrái cây cũng là điều DN cần lưu tâm.
Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp marketing, phân phối. Các chuỗi cửa hàng và siêu thị tại Mỹ, Nhật Bản, EU... đang ngày càng chú trọng vào việc cung cấp các loại trái cây tươi ngon và tự nhiên. Do đó, việc thiết lập mối quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ này có thể mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp Việt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo