Hỗ trợ doanh nghiệp

Quay lưng với Mỹ, Alibaba và Tencent tìm đến Đông Nam Á

Từ đầu năm đến nay, Alibaba đã tham gia vào các thương vụ trị giá hơn 2,8 tỷ USD tại châu Á, vượt xa con số 497 triệu USD đầu tư vào Mỹ.

Lãi dự thu của các ngân hàng đã lên đến bao nhiêu? / BVSC dự đoán lợi nhuận sau thuế của Techcombank năm nay có thể đạt 8.243 tỷ đồng

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, 2 hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc - Alibaba và Tencnent, có xu hướng rút khỏi các thương vụ tại Mỹ và chuyển về đầu tư vào các thị trường gần với quê nhà hơn.

Theo Forbes, vài năm gần đây, cả 2 gã khổng lồ Alibaba và Tencent đều tuyên bố đầu tư hàng tỷ USD thâu tóm tài sản Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới bên ngoài thị trường đã bão hoà trong nước. Tuy nhiên, giờ đây các thương vụ như vậy đang ngày càng ít đi khi lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục đưa ra những cáo buộc về thương mại và áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hoá của nhau.

Trong bối cảnh đó, cả Alibaba và Tencent đều chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào châu Á và thường đối đầu nhau trong các thương vụ đầu tư nhằm thu hút lượng người dùng sành công nghệ tại khu vực dân cư đông đúc này.

Từ đầu năm đến nay, Alibaba đã tham gia vào các thương vụ trị giá hơn 2,8 tỷ USD tại châu Á, vượt xa con số 497 triệu USD đầu tư vào Mỹ, theo Dealogic. Trong khi đó, Tencent đã rót gần 1 tỷ USD vào các thương vụ tại châu Á từ đầu năm, gấp khoảng 4 lần so với 250 triệu USD hãng này cam kết cho các giao dịch đầu tư tại Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Xinhua mới đây,người đồng sáng lập Alibaba - Jack Ma cho biết căng thẳng thương mại leo thang là lý do đẫn đến sự thay đổi trong chiến lược của ông. Tỷ phú giàu thứ 3 tại Trung Quốc tuyên bố Alibaba sẽ không thể tạo 1 triệu việc làm cho Mỹ như lời hứa ông đã đưa ra với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm ngoái. Ông cũng cảnh báo rằng chiến tranh thương mại có thể kéo dài tới 20 năm và các doanh nghiệp nên tự chuẩn bị cho những căng thẳng ngày càng leo thang.

Tuyên bố của Jack Ma được đưa ra trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc có những động thái nhắm vào nhau. Đầu tuần này, Wasington chính thức áp thuế lên thêm 200 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng việc đánh thuế lên 60 tỷ USD hàng hoá Mỹ nhập khẩu vào nước này. Hôm thứ 2, Bắc Kinh công bố sách trắng về xung đột thương mại song phương đang diễn ra với Mỹ, trong đó cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump "bắt nạt" về thương mại và đe dọa kinh tế.

 

Brock Silvers, giám đốc điều hành hãng tư vấn đầu tư Kaiyuan Capital, có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng Alibaba sẽ không có nhiều thương vụ đầu tư vào Mỹ trong tương lai gần. "Alibaba có thể sẽ quyết định tập trung hơn vào đầu tư tại châu Á cho đến khi thấy được những cải tiến đột phá trong chiến tranh thương mại", Silvers nhận định.

Đối với cả Alibaba và Tencent, Đông Nam Á là thị trường đặc biệt hấp dẫn để đầu tư, nhờ vị trí gần với Trung Quốc và lượng người dùng internet đang tăng chóng mặt.

Số người dùng internet tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo sẽ cán mốc 350 triệu người vào cuối năm nay, trở thành khu vực có lượng người dùng internet lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, theo Jefferies Group. Mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở thành một kênh quan trọng để tiếp cận nhóm người này, với toàn thị trường được dự báo đạt giá trị 40 tỷ USD trong 2 năm tới.

Cả Alibaba và Tencent đều đang tăng dần đầu tư tại khu vực này. Hồi tháng 3, Alibaba đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada - nền tảng thương mại điện tử của Singapore. Cuối năm 2017, hãng này cũng đầu tư 1,1 tỷ USD vào trang thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia.

Trong khi đó, Tencent, hiện sở hữu 36% cổ phần tại Sea - công ty thường được gọi là "Tencent Đông Nam Á". Có trụ sở tại Singapore, Sea cung cấp dịch vụ giải trí số, game cùng nền tảng thương mại điện tử Shopee. Tencent cũng đầu tư vào startup gọi xe Indonesia Go-Jek - công ty cung cấp nền tảngGoPay cho phép khách hàng thanh toán cước, mua sắm, mạng xã hội...

 

"Tencent đang phát triển năng lực thanh toán xuyên biên giới và các mối quan hệ xã hội cho người dùng", nhà phân tích Danny Mu của Forrester cho biết. "Các kết nối xã hội là trọng tâm trong chiến lược đầu tư của Tencent".

Tuy nhiên, để giành thị phần, nhiều công ty đang phải chấp nhận lỗ. Tại Indonesia, nơi thị trường thương mại điện tử được dự báo sẽ bắt kịp Ấn Độ vào năm tới, Lazada, Tokopedia, Shopee và JD.com của Trung Quốc đều đang chịu lỗ sau khi chi đậm vào khuyến mại cho khách hàng và giảm chiết khấu để thu hút nhà cung cấp, theo nhà phân tích Paul McKenzie củaCLSA.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm