Tháng 1: Số vốn đăng ký doanh nghiệp tăng cao nhất trong 4 năm
Tháng 1/2020: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam / CPI tháng 1/2020 tăng cao nhất trong 7 năm gần đây
Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2017 tăng 52,3% so với cùng kỳ năm trước; tháng 1/2018 tăng 8,9%; tháng 1/2019 tăng 53,8%; tháng 1/2020 tăng 76,8%.
Trong tháng 1/2020, cả nước có 8.276 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 267,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 84,5 nghìn lao động, do Tết Nguyên đán năm nay vào tháng 1 nên giảm 17,9% về số doanh nghiệp; giảm 21,7% về số lao động nhưng tăng 76,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính 1 doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tại Hà Nội với vốn đăng ký là 144 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng 1 thì vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới là 14,9 tỷ đồng. Nếu tính cả 234,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 3.652 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2020 là 501,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 8.470 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên 16.746 doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo An Giang
Một số lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều là: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2019; khai khoáng giảm 32,6%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 23,9%; xây dựng giảm 15,1%; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 7%.
Có 5 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: sản xuất phân phối điện, nước, gas tăng 8,6%; thông tin và truyền thông tăng 8%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 4,6%; giáo dục, đào tạo tăng 2% và dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 0,2%.
Cũng trong tháng 1 năm nay, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 11.702 doanh nghiệp, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 5.555 doanh nghiệp, giảm 54,8%, trong đó có 615 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, 2.133 doanh nghiệp thông báo giải thể và 2.807 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 1 là 1.621 doanh nghiệp, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 1.451 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 12,5%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 594 doanh nghiệp, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2019; công nghiệp chế biến, chế tạo có 191 doanh nghiệp, tăng 3,8%; xây dựng có 138 doanh nghiệp, giảm 22,5%...
Trong tháng 1, cả nước còn có 3.496 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo