Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thế nào cho hiệu quả?
Hỗ trợ doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng, hướng đến đạt chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản / Bước nhảy ngoạn mục của Tesla giữa mùa đại dịch
120 doanh nghiệp có vốn nhà nước nằm ở các bộ và các tỉnh, thành trên cả nước phải thoái vốn trong năm 2020, thế nhưng, hết 7 tháng đầu năm mới chỉ thu về vỏn vẹn 1.110 tỷ đồng.
Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành địa phương thoái vốn tại 120 doanh nghiệp trong năm 2020. Có 14 doanh nghiệp nằm ở các bộ, nếu không thoái vốn trước 31/8 thì phải chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Trong bối cảnh chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19, liệu tiến trình thoái vốn có thể hoàn thành đúng kế hoạch?
Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, UBND tỉnh Bắc Giang phải thoái vốn 9 doanh nghiệp, UBND thành phố Hải Phòng phải thoái vốn 12 doanh nghiệp hay UBND thành phố Hà Nội phải thoái vốn tại 28 doanh nghiệp.
Công ty CP Đồng Xuân nằm trong danh mục thoái vốn theo quyết định 908. Ảnh: Dân trí.
Thế nhưng, theo báo cáo thoái vốn, cơ cấu lại DNNN 7 tháng đầu năm 2020 của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỷ đồng, thu về 1.110 tỷ đồng.
Chưa đạt kế hoạch do ảnh hưởng từ COVID-19 là điều dễ hiểu nhưng còn có những khó khăn nội tại nào trong công tác thoái vốn khi những "món ngon" như "Chợ Đồng Xuân" cũng không dễ dàng để bán?
Nhiều điều kiện chưa ủng hộ kế hoạch thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Công ty CP Đồng Xuân nằm trong danh mục thoái vốn theo quyết định 908 với tỷ lệ hấp dẫn 71%. Tuy nhiên theo các chuyên gia, để xác định giá khởi điểm là không đơn giản. Ví dụ để xác định giá trị được tạo để sử dụng quyền đất thuê, rất khó để tìm được một mảnh đất tương đương để so sánh và xác định giá thị trường. Tuy nhiên, khó hơn là xác định những giá trị về văn hóa lịch sử. Với một công trình có tuổi đời cả thế kỷ thì công thức nào tính cho phù hợp và giá trị bao nhiêu là đủ?
Việc quy định quá chặt chẽ và yêu cầu cao về hiệu quả trong tính giá khởi điểm được nhìn nhận là nguyên nhân chính khiến thoái vốn chậm trễ. Bán giá cao thì khó có người mua, còn ở cái giá hấp dẫn người mua thì bên bán lại sợ phải chịu trách nhiệm vì giá bán ban đầu "không hiệu quả". Ngoài ra, việc bán không ai mua còn là do nhiều doanh nghiệp thoái vốn với tỷ lệ quá nhỏ.
Theo chuyên gia, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó với quy định chỉ công bố thông tin thoái vốn 20 ngày trước đợt đấu giá. Trong khi để đầu tư chiến lược, nắm giữ lâu, nhà đầu tư nước ngoài cần thời gian tiếp cận thông tin sớm hơn. Khối ngoại e dè đầu tư cũng đang là một chỉ báo không tốt vì giai đoạn "vàng" của thoái vốn 2017 - 2018 chứng kiến lực mua ròng rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành địa phương thoái vốn tại 120 doanh nghiệp trong năm 2020. Ảnh minh họa: Dân trí.
Dù Chính phủ đang rất quyết tâm nhưng nếu thiếu "thiên thời" và "địa lợi", nhưng kế hoạch thoái vốn năm nay có thể chỉ được một vài chục doanh nghiệp.
Theo Quyết định của Thủ tướng, có đến 120 doanh nghiệp chia làm 2 nhóm, một là nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và hai là ở các Bộ chủ quản. Với địa phương, vấn đề lớn nhất là xác định giá trị đất đai. Trong khi đó, với các doanh nghiệp nằm ở các bộ, một khó khăn khác đó là "sợ trách nhiệm".
Để giải quyết nút thắt này, trong Quyết định 908 của Thủ tướng đã nêu rõ, nếu đến 31/8 này, 14 doanh nghiệp có vốn nhà nước nằm rải rác ở các Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng… sẽ bàn giao về cho Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tính đến 23/7, vẫn chưa có doanh nghiệp nào trong số 14 doanh nghiệp nêu trên thực hiện thoái vốn.
Thực tế, nếu chuyển giao 14 doanh nghiệp về cho tổ chức thoái vốn chuyên nghiệp là SCIC, thì không phải muốn bán là bán được ngay. Bởi ngay lúc này, SCIC cũng đang phải chọn hàng tốt để cung ứng ra thị trường trong 5 tháng cuối năm. Tuy nhiên, liệu có lực cầu đủ lớn để hấp thụ lượng cung này trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang lình xình và dòng vốn ngoại đang còn khó tiếp cận.
Gỡ nút thắt thoái vốn doanh nghiệp nhà nước 5 tháng cuối năm 2020
Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - Seaprodex chuyên chế biến và xuất khẩu thủy sản đã hơn 40 năm qua, là một trong những cái tên sáng giá được SCIC chọn lựa để thoái vốn hơn 60% trong thời gian tới. Cùng với 24 danh mục đầu tư làm ăn hiệu quả, điểm thu hút nhất theo đánh giá của Seaprodex là có nhiều đất vàng tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, để tìm được nhà đầu tư bỏ ra hơn 1.900 tỷ đồng mua trọn lô không dễ dàng.
Với lượng tiền lớn như vậy, thường là nhà đầu tư có tổ chức hoặc trông cậy vào nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên có những trường hợp, nhà đầu tư ngoại có muốn mua cũng chả thể mua được, như FPT, khi room đã kịch trần 49%.
Các cơ chế đặc thù sẽ giúp những tổ chức bán vốn chuyên nghiệp như SCIC thúc đẩy quá trình thoái vốn. Ảnh minh họa: Dân trí.
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến phiên thoái vốn, nới room thì không thể, tức thương vụ hơn 2.200 tỷ đồng của FPT hoàn toàn trông cậy vào nhà đầu tư nội. Một giải pháp khác là cho phép SCIC thực hiện theo điều lệ của doanh nghiệp này, tức là có cơ chế giảm giá. Đây là nút thắt đang chờ Nghị định 32 được thông qua.
Các cơ chế đặc thù sẽ giúp những tổ chức bán vốn chuyên nghiệp như SCIC thúc đẩy quá trình thoái vốn. Việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt sớm ban hành Nghị định 32 được coi là mấu chốt quan trọng, bởi tại đó, việc thẩm định được nâng cao, quy trách nhiệm, việc định giá giá trị văn hóa, lịch sử cũng đã dược tính đến và chợ Đồng Xuân cũng có cơ hội được chuyển mình nhanh chóng khi có thêm những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo