Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững
Tập đoàn Dệt May Việt Nam kiên trì mục tiêu bảo vệ nguồn lao động / Trên 49% doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên
Ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị với chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững".
Hội nghị góp phần giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, thích ứng với những dịch chuyển vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tạo ra chuỗi cung ứng mới và bền vững.
Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững" |
Mặc dù, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: sự liên kết của các doanh nghiệp Việt còn rời rạc, không gắn kết, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.
Cùng với đó là sự liên kết, tương tác giữa nước ta với các khu vực khác thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỉ lệ nội địa hoá còn thấp. Mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.
Hiện nay, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Đây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các Hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh, kinh tế thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác, thị trường quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp cần tận dụng khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới. Ảnh minh họa. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến. Các cấp, các ngành cần có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một”, nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ và Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc phòng chống đại dịch Covid-19. Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ 9,5 triệu USD thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam hỗ trợ những sáng kiến nhằm giúp Việt Nam trong công tác phòng chống đại dịch, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời hy vọng, nguồn ngân sách này sẽ giúp Việt Nam vực dậy sau khủng hoảng và sẽ góp phần Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo