Trao tặng 123 máy nông nghiệp trị giá hơn 100 tỷ đồng cho nông dân An Giang
9.500 tỷ đồng xây dựng cao tốc nối Đồng Tháp và Tiền Giang / Kiên Giang: Kêu gọi đầu tư 55 dự án giai đoạn 2021 – 2025
Cơ giới hóa trong sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân
Nhằm đảm bảo cung ứng cho hợp đồng 2 triệu tấn lúa mà Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA), thành viên trong Hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời, đã ký kết với các đối tác vào ngày 9/2, LTF đã ký kết với Liên hiệp HTX Thoại Sơn, đại diện cho các hộ nông dân để triển khai canh tác và bao tiêu lúa trên diện tích khoảng hơn 100.000 ha thuộc tỉnh An Giang.
Các đại biểu ký kết tiêu thụ 2 triệu tấn lúa.
Đây là một trong những đơn hàng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần giải quyết đầu ra cho cây lúa, giảm thiểu việc “được mùa mất giả” cho bà con nông dân. Các đơn hàng dạng này tạo thuận lợi cho việc tổ chức mùa vụ một cách chủ động thông qua mô hình liên kết sản xuất bao lợi nhuận Lộc Trời 123 mà tập đoàn Lộc Trời, LTF hợp tác Liên hiệp HTX Thoại Sơn cùng thực hiện tại huyện Thoại Sơn, An Giang.
Việc trao tặng 123 máy nông nghiệp gồm: 63 máy gặt đập liên hợp, 36 máy cày, 14 máy cộ lúa, 10 máy cuộn rơm nhằm thực hiện việc đồng bộ cơ giới hóa cho nông dân với quy mô lớn từ năm 2022. Số máy nông nghiệp này là phần đóng góp từ lợi nhuận của các đối tác có cùng định hướng phát triển bền vững với Tập đoàn Lộc Trời để hỗ trợ bà con nông dân liên kết với tập đoàn thông qua hợp tác xã trong việc cơ giới hóa đồng bộ các hoạt động mùa vụ, tăng hiệu quả lao động, tăng năng suất, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế và qua đó tăng sức cạnh tranh của lúa gạo trên thị trường quốc tế, góp phần mang lại lợi ích lâu dài cho bà con nông dân.
Đại diện các Hợp tác xã nhận chìa khóa tượng trưng.
Ông Trịnh Công Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX An Bình cho biết: HTX An Bình được thành lập hơn 10 năm qua nhưng đã có 7 năm hợp tác với Tập đoàn Lộc trời trong việc sản xuất lúa rất thành công. Riêng trong vụ lúa đông xuân 2021-2022 HTX có tổng diện tích 800ha được Lộc Trời đứng ra bao tiêu sản phẩm, trong đó có 200 ha sản xuất lúa theo mô hình Lộc Trời 123 còn lại diện tích làm theo truyền thống vẫn đảm bảo chất lượng của Lộc Trời đưa ra.
“Dịp này HTX An Bình nhận được máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy cộ lúa nhằm để nâng cao trình độ cơ giới hóa đồng ruộng để phục vụ cho bà con nông dân trong xã viên những vụ lúa tiếp”. Ông Bình vui mừng chia sẻ.
Hướng đến tư duy kinh tế nông nghiệp
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời khẳng định: “Việc thực hiện cam kết “Cùng nông dân phát triển bền vững" và lần này là cùng chúng tôi triển khai quá trình cơ giới hóa đồng bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, giúp bà con nông dân đỡ cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà năng suất không cao, đời sống chật vật, khó khăn”.
Qua đó, Lộc Trời và các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp của mình sẽ không ngừng nỗ lực liên kết với các hộ nông dân thông qua các hợp tác xã, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất lúa gạo quy mô lớn bằng cơ giới hóa đồng bộ. Trên cơ sở đó, Lộc Trời sẽ áp dụng các biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất như giống phân, thuốc, công lao động... để giảm giá thành, năng chất lượng lúa gạo, đồng thời quy hoạch vùng trồng giúp lúa gạo Việt Nam đáp ứng yêu cầu truy xuất được nguồn gốc, canh tác khoa học, tăng năng suất, có chất lượng phù hợp với các thị trường khác nhau, tăng giá bán và nâng cao lợi thế cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam.
Ông Thòn tin rằng, bằng việc trồng lúa, bà con nông dân vẫn có được cuộc sống sung túc trên đồng ruộng của chính mình, ngay ở mảnh đất quê hương mình.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói: “Sự kiện ký kết sản xuất 2 triệu tấn lúa cũng như trao tặng 123 máy nông nghiệp cho nông dân hết sức ý nghĩa. Với nỗ lực phấn đấu không ngừng vì một tương lai nông nghiệp bền vững cho An Giang nói riêng, cả nước nói chung, Lộc Trời là doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ riêng ở tỉnh An Giang mà còn ở các tỉnh trong khu vực bằng sông Cửu Long.
Lộc Trời đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất, đồng thời đã hình thành các liên kết với HTX thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất từ đó thay đổi tư duy của người nông dân hướng đến tư duy kinh tế nông nghiệp”.
Ông Bình đánh giá cao việc Lộc Trời bố trí lực lượng "3 cùng" tham gia vào Liên minh HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp củng cố, nâng cấp và đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nông dân. Đồng thời giúp nông dân sản sản xuất theo mô hình canh tác hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó đáp ứng tốt thị trường lúa gạo trong nước và thị trường xuất khẩu, trong đó có các thị trường khó tính như Châu Âu.
Ông Bình mong muốn rằng tất cả các HTX trên địa bàn tiếp cận và thực hiện theo các chuỗi sản xuất có liên kết như thế này thì sẽ tạo ra được nhiều thương hiệu lúa gạo riêng cho An Giang, đủ sức cạnh tranh với lúa gạo trong nước cũng như các nước khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo