An Giang: Thay đổi tư duy từ “cấp phép, cho phép” sang “phục vụ, chăm sóc” doanh nghiệp, nhà đầu tư
Tiền Giang: Kiểm tra thực tế 2 doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" / Bạc Liêu đề nghị Sóc Trăng và Hậu Giang hỗ trợ thu hoạch vụ lúa hè thu
Nhiều quy định đang chưa "Thích ứng"
"Thời gian tới, tỉnh An Giang cần đổi mới tư duy từ “cấp phép, cho phép” sang “phục vụ, chăm sóc” doanh nghiệp, nhà đầu tư"- Đây là phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình tại buổi đối thoại trực tuyến (ngày 19/11) với các doanh nghiệp về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ, khắc phục khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Ông Doãn Tới- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Việt cho biết, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường xuất khẩu, nhưng với sự chủ động của đơn vị và sự hỗ trợ của Chính phủ, UBND tỉnh An Giang, kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt trong tháng 9,10/2021 vẫn đạt xấp xỉ 20 triệu USD.
Ông Tới cho rằng, từ khi tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nam Việt đã chủ động thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, thời gian duy trì sản xuất “3 tại chỗ” quá lâu làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khi chi phí sản xuất tăng cao, năng suất giảm hơn 70%, các đơn hàng bị chậm vì không đủ nhân lực.
Hiện nay, gần 100% trong tổng số hơn 6.000 công nhân của Nam Việt đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, nên công ty đang nỗ lực khôi phục sản xuất, tăng năng suất của các nhà máy để đáp ứng kịp thời các đơn hàng đã ký kết. Tuy nhiên, đơn vị vẫn gặp khó vì công nhân ngại tăng ca phần vì sợ dịch bệnh, phần vì vi phạm quy định hạn chế ra đường sau 20h hàng ngày.
“Công nhân làm tăng ca về sau 20h thì bị chính quyền lập biên bản xử phạt vì vi phạm quy định hạn chế ra đường của tỉnh, điều này rất cứng nhắc và vô lý, làm ảnh hưởng đến tâm lý của anh, chị em công nhân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp”. Ông Tới bức xúc.
Quy định hạn chế ra đường sau 20h hàng ngày đang làm khó doanh nghiệp.
Cũng tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn đã và đang gặp phải sau khi tái sản xuất; hướng khôi phục và đề xuất với các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh An Giang có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại. Đa số các doanh nghiệp đề xuất UBND tỉnh An Giang có giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ thuế, đào tạo nghề, tuyển dụng lao động, khôi phục thị trường.
Ông Kim Chul Ha- Giám đốc nhân sự Công ty trách nhiệm hữu hạn An Giang Samho cho rằng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, đơn hàng bị hủy liên tục do không đáp ứng về thời gian giao hàng của đơn hàng cũ. Hơn nữa, tài chính của doanh nghiệp không thể trụ nổi trong thời gian dài và đối mặt với sức ép từ nguồn trả lương cho người lao động vào đầu tháng 12, thanh toán các khoản nợ bảo hiểm xã hội, trả tiền nguyên vật liệu cho nhà cung cấp.
Trong quá trình khôi phục lại sản xuất, nếu phát hiện F0, F1, ông Kim Chul Ha đề xuất cho doanh nghiệp “bóc tách” F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ cách ly trong các khu vực của nhà máy. Chính quyền và ngành y tế hỗ trợ thuốc điều trị, không yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đóng cửa nhà máy tạm thời, nhằm giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Hiện, An Giang cũng như Việt Nam đã chuyển đổi cách tiếp cận từ “Zero COVID-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nên việc ngừng hoạt động hoặc đóng cửa tạm thời doanh nghiệp không còn phù hợp.
Cùng doanh nghiệp "gỡ khó"
Theo ông Hồ Việt Hiệp- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 như thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Sau thời gian duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nhiều doanh nghiệp đã không còn vốn để tái đầu tư, khôi phục sản xuất. Cùng với đó, các chi phí khác như xăng dầu, vận chuyển, logistic, nguyên phụ liệu... tăng cao đã làm cho các doanh nghiệp gần như “kiệt quệ”.
Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang đề xuất, UBND tỉnh An Giang cần có các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, nguồn vốn tái đầu tư và duy trì sản xuất như: Khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất hoặc cho vay vốn không cần thế chấp để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Từ đó giúp doanh nghiệp có vốn để tái đầu tư, duy trì sản xuất, tạo việc làm, giảm gánh nặng an sinh xã hội cho ngân sách.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp. Tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh bằng những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, có phân công, phân nhiệm rõ ràng.
Ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh An Giang cần đổi mới tư duy từ “cấp phép, cho phép” sang “phục vụ, chăm sóc” doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phải thay đổi từ cách tiếp cận, xử lý thông tin, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, bảo đảm hiệu quả trong từng khâu, từng nhiệm vụ và có sự liên thông, liên kết, đan xen, hỗ trợ nhau giữa các ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh An Giang tiếp tục chủ động đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, quan tâm đến việc “giữ chân” người lao động, chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động. Doanh nghiệp đầu tư hơn nữa cho công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới. Đồng thời, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu của tỉnh, mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Lê Hồng Quang- Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp.
Cũng tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã luôn đồng hàng, ủng hộ, chia sẻ khó khăn cùng tỉnh trong suốt thời gian qua.
Ông Quang khẳng định, An Giang xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh luôn quan tâm tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm, đóng góp thiết thực cho kinh tế tỉnh nhà. “Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang luôn đồng hành, cầu thị, lắng nghe và cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh nhà”. Bí thư tỉnh này nêu rõ quan điểm.
Ngoài ra, Bí thư tỉnh ủy An Giang đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ghi nhận đầy đủ, phân công các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu, tham mưu giải quyết thật khẩn trương, nhanh chóng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến hoặc kiến nghị Trung ương giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.
End of content
Không có tin nào tiếp theo