Hỗ trợ doanh nghiệp

VASEP: Doanh nghiệp thuỷ sản đối diện nhiều vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính

DNVN - Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu rõ một loạt vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính mà doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ ngành này phục hồi và phát triển.

Hà Nội: Triển lãm xúc tiến đầu tư, giao thương về giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh / Thúc đẩy đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc sản xuất, xuất khẩu

Một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp thủy sản là thủ tục kê khai thu mua nguyên liệu. Cục Thuế một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị, thời gian gần đây đã tiến hành thanh, kiểm tra thuế cho giai đoạn 2016-2017. Qua đó, một số vấn đề phát sinh gây cản trở cho các doanh nghiệp.

Trong đó, về việc thiếu giấy phép khai thác của tàu thuyền. Cục Thuế đã loại bỏ chi phí thu mua từ các tàu chưa có giấy phép khai thác, khiến các doanh nghiệp không thể đưa chi phí này vào hạch toán. Xác nhận thông tin thu mua từ ngư dân và chính quyền địa phương gặp khó khăn bởi lẽ việc xác nhận chủ tàu hay chính quyền địa phương về hoạt động thu mua phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan và thủ tục phức tạp, tạo ra rủi ro truy thu thuế.


Theo VASEP, doanh nghiệp thuỷ sản đối mặt với một loạt vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính.

Do vậy, VASEP đã kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét điều chỉnh và đơn giản hóa thủ tục này, đặc biệt là quy định chi tiết về giấy tờ cần thiết để chứng minh tính hợp lý của chi phí nguyên liệu, giảm thiểu các bất cập cho doanh nghiệp.

Liên quan đến thủ tục xác nhận nguyên liệu và chứng nhận xuất xứ, theo VASEP, các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối mặt với vướng mắc khi thực hiện thủ tục cấp giấy S/C và C/C trên hệ thống eCDT – hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử.

Để bảo đảm thông tin được nhập đầy đủ từ đầu chuỗi cung ứng, VASEP đề xuất đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho ngư dân, bảo đảm việc nhập liệu từ khâu đầu tiên là ngư dân ra vào cảng đúng và đầy đủ nhằm tránh tắc nghẽn cho doanh nghiệp trong quá trình xác nhận nguyên liệu.

Cục Thủy sản cần ban hành hướng dẫn cụ thể cho việc nhập liệu đối với các tàu khai thác nhỏ dưới 15 mét, vốn không có hệ thống giám sát hành trình VMS, nhằm đảm bảo không xảy ra gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), VASEP đề xuất Bộ Tài chính bổ sung điều khoản xác nhận hoạt động chế biến thủy sản được xem là hoạt động chế biến có giá trị gia tăng cao, được hưởng ưu đãi thuế. Đây là động thái quan trọng nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào hoạt động chế biến và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu.

Cũng theo VASEP, hiện nay, theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP, tất cả muối dùng trong chế biến thực phẩm phải bổ sung i-ốt. Tuy nhiên, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, khi các thị trường nhập khẩu không yêu cầu loại muối này. Vì vậy, VASEP kiến nghị Chính phủ cho phép ngoại lệ đối với muối i-ốt khi sử dụng trong sản phẩm xuất khẩu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng quốc tế.

Ngoài các vướng mắc trực tiếp về sản xuất, doanh nghiệp thủy sản còn gặp khó khăn trong việc tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế tại Việt Nam. Hiện nay, các hiệp hội phải trải qua thủ tục xin phép phức tạp để tổ chức sự kiện, gây lãng phí nguồn lực. VASEP đề xuất chính phủ cho phép lập kế hoạch tổ chức hội thảo hàng năm, chỉ cần báo cáo trước hai tuần và sau sự kiện, nhằm tiết kiệm thời gian và tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm