Hỗ trợ doanh nghiệp

VASEP: Doanh nghiệp thuỷ sản đối mặt nhiều vướng mắc về cơ chế

DNVN - Bất cập liên quan đến áp trần chi phí lãi vay, quan ngại trong cách thức thực thi EPR cũng như vướng mắc trong phân loại bùn thải của nhà máy chế biến thủy sản… được coi là những vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản phải đối mặt.

Lần đầu diễn ra Ngày doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản / Áp lực dòng tiền đeo bám, có doanh nghiệp tồn kho lên tới… 149 năm

Bất cập trong áp trần chi phí lãi vay

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc tổng hợp tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 và các vướng mắc, khó khăn hiện tại liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) thủy sản.

Theo VASEP, việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đóáp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý. Theo đó, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của DN trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Do đó, VASEP kiến nghị sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp DN không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập DN.

Sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại diểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán… để các DN sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN.


Doanh nghiệp thuỷ sản đối diện nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.

Về chính sách thuế thu nhập DN, theo VASEP, sau nhiều năm vướng mắc liên quan việc áp mức thuế thu nhập DN cao tới 20% tại cục thuế nhiều địa phương,sau kiến nghị của VASEP và tham vấn ý kiến của Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, ngày 12/3/2021 Bộ Tài chính đã ban hành văn bảnvề chính sách thuế thu nhập DN gửi Bộ NN&PTNT và VASEP.

Văn bản đã xác định rõ sản phẩm thuỷ sản “là hoạt động chế biến thủy sản” làm căn cứ để các cục thuế xác định ưu đãi thuế thu nhập DN theo quy định hiện hành.

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính sớm đưa nội dung xác định trên vào văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính.

Bất cập về mức đóng bảo hiểm xã hội

Theo VASEP, trong bối cảnh cuộc sống người lao động còn khó khăn và các DN đang suy giảm sản xuất, các khoản tính gộp vào lương để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và nâng cao đời sống cho người lao động.

Do đó, hiệp hội này kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính có ý kiến đề xuất với Quốc hội giảm mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng tương đương của năm 2009. Tức là người lao động đóng 5% và người sử dụng lao động đóng 15%, tổng cộng 20% (thay vì mức 25,5% như hiện nay).

Đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động còn 0,5% và của người sử dụng lao động còn 0,5% và có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thờiđề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương.

Quan ngại trong thực thi EPR

VASEP cho biết, cộng đồng DN nói chung và các DN ngành hàng thủy sản nói riêng bày tỏ quan ngại trong cách thức thực thiEPR(trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và định mức chi phí tái chế (Fs) cao.

Trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ TN&MT đang chủ trì dự thảo về việc “ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu”, định mức chi phí tái chế (Fs) còn rất cao.

VASEP kiến nghị Bộ TN&MT xem xét điều chỉnh và sửa đổi các nội dung đang vướng mắc trong dự thảo Quyết định. Trong đó, xem xét lại định mức chi phí tái chế.

Cụ thể,áp dụng hệ số0,1cho các vật liệu có giá trị, vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì kim loại (gồm cả nhôm và sắt), bao bì giấy(thay cho hệ số 0,2 cho nhôm và giấy, hệ số 0,4 cho bao bì sắt trong dự thảo). Áp dụng hệ số Fs 0,2-0,45 cho các loại bao bì: thủy tinh, nhựa cứng PET, nhựa cứng HDPE, bao bì đơn vật liệu mềm và bao bì giấy hỗn hợp.

Bất cập trong xác định cấp thẩm quyền cấp giấy phép

Liên quan đến việc xác định cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cho nhà máy, VASEP kiến nghị Bộ TN&MT xem xét có hướng dẫn thống nhất, chi tiết gửi tới các Sở TN&MT trên toàn quốc trong việc xác định cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường liên quan việc tuân thủ Điều 39 & 41 của Luật BVMT.

Để xác định rõ những nhà máy, dự án, cơ sở nào thuộc cấp thẩm quyền quy định tại khoản 3 (điểm c) hay khoản 4 Điều 41-Luật BVMT 2020, Bộ TN&MT xem xét có hướng dẫn chi tiết chỗ này. Trong đó, đề xuất với các nhà máy có công suất sản xuất nhỏ và rất nhỏ (dưới 50m3 nước thải/ngày đêm) thì xem xét thuộc cấp quận, huyện cấp phép.

Ngoài ra, VASEP kiến nghị Bộ TN&MT xem xét đưa bùn thải thủy sản vào loại chất thải rắn thông thường có khả năng tái chế và cấp ký hiệu (TT-R) như quy định tại khoản 3, điều 24, Thông tư 2/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT để các nhà máy thủy sản có thể giao cho các nhà máy sản xuất phân bón làm nguyên liệu sản xuất.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm