VINASME kiến nghị với Thủ tướng 5 nhóm giải pháp phát triển
DNVN- Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 23/12, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân kiến nghị với Thủ tướng 5 nhóm giải pháp để DNNVV phát huy được tốt nhất những đóng góp cho nền kinh tế, tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội.
"Nếu nhìn qua con số 80.000 doanh nghiệp giải thể sẽ thấy xót xa" / Cộng đồng DN thủ đô tặng quà cho 600 bệnh nhân ở Ba Vì
DNNVV có nhiều đóng góp quan trọng
Theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân, với vai trò tích cực trong phát triển bền vững, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, chính là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ. Thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bảo đảm bình đẳng giới, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng…, doanh nghiệp đang thực hiện trách nhiệm xã hội của mình vì lợi ích chung cho doanh nghiệp cũng như sự phát triển của kinh tế-xã hội.
Doanh nghiệp cũng đã tận dụng tiến bộ khoa học để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để cung cấp hàng hóa và dịch vụ bảo đảm chất lượng, an toàn sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh; luôn nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn, cung cấp những sáng kiến chống lại những hành vi sai trái và luôn chung tay cùng với Đảng và Nhà nước đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, trong những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách thể chế pháp luật, hoàn thiện môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu tự nâng cấp mình, vươn tới những chuẩn mực toàn cầu; kinh doanh liêm chính và nhân văn, đổi mới và sáng tạo, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và luôn gắn với lợi ích của mình với cộng đồng, coi đây vừa là nghĩa vụ, là quyền lợi của doanh nghiệp với nhà nước, doanh nghiệp với môi trường, doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người dân.
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng, những năm gần đây, kinh doanh bao trùm INCLUVIVE BUSINESS (hay còn gọi cách khác là kinh doanh hòa nhập, kinh doanh mô hình IB) đang là hướng đi của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo xu hướng này, nhiều doanh nghiệp, trong đó có DNNVV, đã có một tầm nhìn dài hạn hơn và nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội, đã và đang tiếp cận mô thức phát triển theo kiểu phát triển bền vững, tiếp cận các chuẩn mực toàn cầu và coi đây là cơ hội lớn để huy động vốn đầu tư, kết hợp với việc lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn.
Khu vực DNNVV cũng có nhiều lợi thế về cạnh tranh, có khả năng thích ứng cao, năng động, sáng tạo, luôn luôn ở trạng thái sẵn sàng thay đổi cho phù hợp với xu thế mới, nhu cầu mới của thị trường. Có thể nói, DNNVV là những “lồng ấp” cho các ý tưởng kinh doanh, những phát kiến mới trong sản xuất, là nơi rèn luyện, đào tạo kỹ năng quản lý, kinh nghiệm tổ chức... để từ đó tạo ra các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu sau này.
Tuy nhiên, người đứng đầu Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo sự thay đổi lớn trên toàn cầu, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc, chính sách bảo hộ của các quốc gia, sự phức tạp trong chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật đã và đang làm khó doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nói riêng. DNNVV có những hạn chế về khả năng tiếp cận các nguồn lực cơ bản như vốn, đất đai; trình độ quản lý yếu, lực lượng lao động không có tay nghề; công nghệ lạc hậu; hạn chế trong việc xây dựng các kết nối kinh doanh, tiếp cận thị trường trong nước cũng như quốc tế, khiến các DNNVV rất dễ bị tổn thương.
Năm nhóm giải pháp theo kiến nghị của Hiệp hội DNNVV Việt Nam
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh: Hiệp hội DNNVV Việt Nam với chức năng đại diện cho cộng đồng DNNVV, nhiều năm qua luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với DNNVV Việt Nam, nên chúng tôi hiểu rất rõ những khó khăn, thuận lợi của các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV. Để DNNVV phát huy được tốt nhất những đóng góp cho nền kinh tế, tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, Nhà nước cần có sự can thiệp để hỗ trợ sự phát triển của khu vực doanh nghiệp quan trọng này.
Một là, để có sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, Nhà nước cần tìm ra các phương thức để thuyết phục người dân và cả những nhà đầu tư tiềm năng rằng thể chế mới là bền vững và mọi khoản đầu tư, mọi doanh nghiệp đều được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. Nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách một cách quyết liệt hơn sao cho vừa cởi trói cho doanh nghiệp để cạnh tranh và tạo việc làm vừa mang đến cho mọi người mức độ tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn.
Trước mắt, cần hoàn thiện khung pháp lý đối với hộ kinh doanh, trên nguyên tắc thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, không ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp. Cân nhắc nghiên cứu xây dựng một nghị định riêng về hộ kinh doanh nhằm xác định địa vị pháp lý, điều kiện kinh doanh, cơ chế hỗ trợ, quản trị kế toán theo hướng tinh gọn, bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh; hoặc bổ sung một mục riêng trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành mô hình doanh nghiêp, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh và giảm thuế TNDN xuống còn 15 và 17% đối với DNNVV. Với mức hỗ trợ này, DNNVV sẽ có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, phát triển, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường tăng lên. Từ đó, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khả thi, nhất là việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành các DNNVV.
Hai là, Thủ tướng có giải pháp để chuyển giao một số dịch vụ công từ các Bộ, ngành, địa phương cho các Hiệp hội, qua đó, góp phần làm giảm chi phí của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và cũng là cơ sở, điều kiện để các tổ chức đại diện của cộng đồng DNNVV tự nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình, qua đó huy động được các nguồn lực xã hội, góp phần giảm chi phí từ NSNN.
Ba là, sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2018/NĐ-CP, và các Nghị định khác, cũng như nhiều chương trình hỗ trợ DNNVV đã được triển khai, cộng đồng doanh nghiệp có kỳ vọng rất lớn. Song sau gần 2 năm triển khai, doanh nghiệp được thụ hưởng những lợi ích từ luật và các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ lại rất ít. Chính phủ cần có sơ kết, đánh giá toàn diện và cụ thể về tính hiệu quả của các chương trình và giải pháp nêu trên đối với cộng đồng các DNNVV trên toàn quốc, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, sát đúng với tình hình thực tế, tạo động lực cho doanh nghiệp bứt phá vươn lên.
Bốn là, “kinh tế ban đêm” là một xu hướng các nước đang vận dụng, đặc biệt là ở khu vực châu Á, Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng cho nghiên cứu chính thức về “kinh tế ban đêm” để xác định quy mô và tác động của nó đối với nền kinh tế. Các cấp, các ngành, địa phương cần đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý phù hợp. Việc phát triển tốt “kinh tế ban đêm” sẽ kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân, ngân sách cho nhà nước.
Năm là, thời gian qua, Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cùng Ủy ban Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc ở châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) tiến hành một nghiên cứu về kinh doanh IB tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thúc đẩy kinh doanh IB đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch và chế biến sau thu hoạch, trồng dược liệu sạch, hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến thuỷ, hải sản... Nhóm nghiên cứu cũng đã thống nhất đề xuất lên Chính phủ xây dựng chương trình hành động IB để hỗ trợ các doanh nghiệp này. Chương trình sẽ có giai đoạn thí điểm, sau đó sẽ có đánh giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng hơn. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo và sớm cho triển khai thực hiện mô hình trên.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo