Hành trình khám phá, trải nghiệm thác Siu Puông
Suối cá thần Cẩm Lương - Điểm du lịch kỳ thú / Khám phá ngôi chùa có bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng lớn nhất thế giới
Từ thành phố Kon Tum tiến về hướng Bắc theo Quốc lộ 14 khoảng 42km, đến Đăk Tô thì đi theo Tỉnh lộ 672 khoảng 16km và đến ngã ba chợ Đăk Trâm, rẽ trái vào Tỉnh lộ 678 chừng 30km nữa là tới trung tâm xã Đăk Na. Từ đây, chúng ta tiếp tục di chuyển bằng mô tô (là biện pháp tối ưu) mất khoảng 20 phút để đến khu vực thác.
Trên đường đi chúng ta sẽ đi qua những thửa ruộng bậc thang mênh mông, tầng tầng rất đẹp, ở giữa những đồng ruộng có một con suối uốn lượn chảy qua trông rất nên thơ và mềm mại. Trước khi đến khu vực để xe, chúng ta phải trải qua những cung đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu trong những rừng thông vi vu bạt ngàn và một bãi cỏ bằng phẳng xanh tươi được người dân nơi đây gọi là “sân golf” giữa rừng.
Nơi này thực chất là vị trí của một ngôi làng cũ trước đây, do tập quán du canh du cư ngày xưa người dân đã chuyển qua một ngôi làng mới nên bây giờ ở đây cỏ mọc mịn màng xanh um, tựa như một sân golf. Qua khỏi bãi cỏ này chừng 10 phút, chúng ta phải để lại xe mô tô giữa rừng để tiếp tục đi bộ, băng rừng, lội suối tầm 15 phút nữa là tới thác.
Thác Siu Puông nằm ở lưng chừng dãy núi Văn Peo |
Giữa bốn bề núi non hùng vĩ, hiện ra sừng sững, kèm theo là tiếng ầm vang của thác và hơi nước trắng xóa bốc lên khiến bất cứ ai đến đây cũng không khỏi choáng ngợp. Khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ mà vô cùng thơ mộng của thác Siu Puông tựa như dải lụa trắng mềm mại nổi bật trên nền xanh của núi rừng già.
Chiều cao từ đỉnh thác đến chân thác ước chừng 240m. Thác không đổ một dòng từ trên xuống mà chảy thành nhiều tầng khác nhau. Trong đó, có 5 tầng chính theo hình zic zắc nhau, tầng trên cùng cao nhất khoảng 60m, 4 tầng còn lại cao trung bình mỗi tầng khoảng 40m và 2 tầng ngắn hơn, trung bình mỗi tầng khoảng 10m. Bề rộng phần nước chảy của thác tùy thuộc vào mùa mưa hay mùa khô, mùa nước chảy nhiều nhất vào khoảng tháng 10, lúc này bề rộng con thác đạt khoảng 30m.
Bởi xuất phát từ rừng già, các tầng đất, đá đã ổn định nên nước của thác rất trong xanh và mát lạnh quanh năm.
Nước của thác rất trong xanh và mát lạnh quanh năm |
Ngoài ra, vị trí thác ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, xung quanh là rừng già bao bọc nên khí hậu ở đây thường rất lạnh vào mùa đông và luôn mát mẻ với các mùa còn lại. Tuy nhiên, bất kể là mùa nào, khi đến thác chúng ta cũng phải luôn mang theo áo khoác dày vì lượng hơi nước tỏa ra từ thác sẽ làm bạn dễ bị nhiễm lạnh.
Người dân bản địa rất coi trọng nguồn nước của thác, tương truyền rằng nguồn nước của thác là một nguồn nước thiêng. Người dân sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt hằng ngày. Họ nghiêm cấm giặt giũ nơi đầu nguồn. Phụ nữ đến kỳ kinh không được phép lội qua con nước của thác. Khi chôn cất người mất trong làng cũng không được khiêng ngang qua con nước này. Theo thời gian, những phong tục xưa có phần mai một, nhưng nguồn nước nơi đây vẫn có ý nghĩa vô cùng to lớn với những người Xơ Đăng sinh sống dưới lưu vực của thác nước.
Ngoài những vẻ đẹp thiên nhiên của thác, rừng nơi đây, khi đến tham quan thác chúng ta cũng trải qua cung bậc cảm xúc hết sức quý báu khi cùng người dân bản địa đi hái một số loại rau rừng như rau chua, rau dớn, rau ranh dùng để luộc hoặc nướng ống chung với cá suối, ốc đá, thịt ba chỉ… và dùng chế biến tại chỗ phục vụ cho chuyến đi như là một trong những kỹ năng sinh tồn khi đi rừng.
Bên cạnh đó, một số món ăn được chuẩn bị trước mang theo trong hành trình để chế biến khi đi rừng như thịt nướng, gà nướng, muối tiêu rừng, cơm lam, thịt nướng ống tre kết hợp với chuối rừng hết sức ấn tượng và cảm giác ngon miệng không từ nào tả được.
Đặc biệt ấn tượng nhất với tôi là món khoai lang, khoai mì nướng ống tre, một món mới và khác biệt mà chỉ nơi đây mới có. Việc chế biến như thế này sẽ giữ được nguyên hương vị của khoai và khoai sẽ rất bùi, thơm ngát giúp bạn giải quyết nhanh cơn đói như là một món tráng miệng trong khi chờ đợi những món khác.
Một điều ấn tượng nữa là có rất nhiều điểm dừng chân để có thể chế biến món ăn, cắm trại nghỉ ngơi trên cung đường đến thác vì có nhiều bãi trống, có suối chảy qua và có những ghềnh đá đẹp, tránh những việc đáng tiếc xảy ra như cháy rừng khi du khách không dập lửa triệt để trong quá trình chế biến món ăn.
Người dân bản địa rất coi trọng nguồn nước của thác |
Từ đỉnh thác ngược về hướng thượng nguồn là một hệ thống các thác lớn nhỏ trong rất đẹp mắt. Con nước chảy giữa những vách đá xanh rêu quanh năm với những cây cổ thụ cứ choài ra. Vào mùa Đông, một số cây thay lá đổi màu xanh đỏ, nhìn từ trên cao như một bức họa phong cảnh tuyệt vời. Thác cao nhất trong hệ thống thác thượng nguồn của thác Siu Puông là Siu Ngọk La (thác Núi Hổ). Thác này có độ cao tầm 70m, dòng thác trắng xóa hiện rõ trên nền rừng xanh bạt ngàn trông thật ấn tượng. Tuy nhiên, cung đường này chỉ dành cho những du khách có sức khỏe và có kỹ năng leo núi tốt mới có thể tiếp cận được.
Theo ông Bùi Văn Viên, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết: Trong thời gian qua, khi tuyến đường lên thác được các đoàn viên thanh niên trên địa bàn dọn dẹp, khai thông thuận tiện hơn trong việc đi lại thì du khách lên đây rất nhiều, đặc biệt là các dịp lễ và ngày nghỉ trong tuần. Sắp tới, UBND xã sẽ đề xuất xây dựng phương án phát triển du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên khu thác này và những thác lân cận đi đôi với việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước của thác. Bên cạnh đó, xã cũng đề xuất xây dựng các làng du lịch cộng đồng gần đó nhằm giới thiệu với du khách các nét văn hóa độc đáo của người Xơ Đăng nơi đây thông qua các lễ hội truyền thống, nét sinh hoạt đời thường, tôn tạo các nhà trong làng theo lối truyền thống cổ xưa và giữ gìn các quần thể kho thóc của làng - một nét văn hóa riêng của hầu hết các DTTS ở Tây Nguyên.
Một điều thú vị nữa là mới đây, Huyện ủy, UBND huyện Tu Mơ Rông thành lập đoàn khảo sát dược liệu tại xã Đăk Na. Qua khảo sát, đoàn đã phát hiện khoảng 20ha cây ngũ vị tử mọc thành từng khóm leo trên những thân cây cổ thụ nằm dưới tán rừng tự nhiên nằm trong Tiểu khu 204 thuộc tại xã Đăk Na cùng với hàng chục cây sơn tra cổ thụ tự nhiên mọc thành một quần thể gần khu vực thác Siu Puông. Điều này, giúp huyện cũng có những định hướng bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu tại khu vực này nhằm mục đích xây dựng nơi đây là điểm đến hấp dẫn cho du lịch sinh thái, dưỡng sinh và trồng dược liệu dưới tán rừng. Ngoài những dược liệu trên thì quanh khu vực này còn có hồng đẳng sâm, sâm Ngọc Linh, linh chi và nhiều dược liệu quý hiếm khác.
Ngoài hành trình khám phá thác Siu Puông, chúng ta có thể lưu lại Đăk Na để tiếp tục khám phá những con thác khác như thác Siu Mô Mam, thác C2, những khu vườn trồng dược liệu, những nghệ nhân người Xơ Đăng để mang về những món hàng lưu niệm ấn tượng của chuyến đi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Khẩu súng đắt nhất thế giới trị giá hơn 110 tỷ: Chỉ vài người có khả năng mua, làm bằng chất liệu độc nhất
Người đàn ông mua chiếc ấm nứt vì đam mê, nào ngờ là đồ cổ 250 năm được định giá hơn 17 tỷ đồng
Không phải người ngoài hành tinh, con người có thể là sinh vật có trí tuệ duy nhất trong vũ trụ?
Ngôi chùa cổ sở hữu 4 chiếc cột gỗ quý hơn 'kim cương' giá 3400 tỷ: Người người xếp hàng vào xem!
Cặp vợ chồng sững sờ phát hiện chiếc bình sứ chắn cửa nhà suốt 36 năm lại có giá trị đến 30 tỷ đồng
Chiếc giường gỗ có giá trị nhất miền Tây: Chế tác bằng gỗ quý hàng đầu Việt Nam, trả 3 tỷ không bán