Nghịch lý đại dịch chết chóc mà nhiều người Mỹ lại muốn mắc bệnh
5 đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử đã kết thúc như thế nào / Bài học về đeo khẩu trang ở Mỹ trong đại dịch cúm năm 1918
Mùa hè nóng ẩm năm 1793, hàng ngàn người Philadelphia bị ốm nặng, trải qua những cơn sốt và ớn lạnh, da chuyển màu vàng, đau dạ dày và nôn ra dịch đen lẫn với máu. Tới cuối tháng 8, khi ngày càng có nhiều người bắt đầu chết vì căn bệnh bí ẩn này, những cư dân giàu có trong thành phố đã đổ xô chạy khỏi Philadelphia, khi đó là thủ đô của nước Mỹ. Trong khi đó, cộng đồng người da đen tự do phần lớn ở lại và nhiều người đã giúp chăm sóc những người bệnh.
“Nó được gọi là sốt vàng da, nhưng không có biểu hiện nào giống như những gì các bác sĩ biết đến hoặc đọc được”, Ngoại trưởng Thomas Jefferson viết vào tháng 9/1793.
Vào thời điểm đó, không ai biết điều gì đã gây ra bệnh sốt vàng (hay sốt vàng da), hoặc nó lây lan ra sao. Một số người cho rằng dịch bệnh đã lây lan đến Philadelphia qua một con tàu chở người tị nạn Pháp sau cuộc nổi dậy của nô lệ ở Santo Domingo (nay là Haiti). Những người khác tin rằng bệnh lạ bắt nguồn từ điều kiện vệ sinh kém và không khí ô nhiễm của chính thành phố.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã ập tới, và người Philadelphia tuyệt vọng tìm cách tránh né. Họ bắt đầu giữ khoảng cách với nhau và tránh bắt tay nhau. Người dân che mặt bằng khăn tay nhúng giấm hoặc om khói thuốc lá, thứ được cho là giúp lọc bớt không khí ô nhiễm. Trong số những người rời khỏi thành phố có cả Ngoại trưởng Jefferson và Tổng thống George Washington.
Thời bấy giờ, nhân loại chưa phát hiện ra muỗi là loài trung gian truyền bệnh sốt vàng da. Dịch bệnh đã lây lan khắp nước Mỹ và đặc biệt bùng phát mạnh ở các thành phố lớn như New York, Philadelphia và New Orleans. Trong 6 thập kỷ từ sự kiện Mua bang Louisiana (từ người Pháp vào năm 1803) tới cuộc Nội chiến nước Mỹ, New Orleans đã trải qua tới 22 trận dịch, tổng cộng giết chết trên 150.000 người. Còn tại Philadelphia, dịch sốt vàng chỉ trong năm 1793 đã khiến 5.000 người chết, tương đương 1/10 dân số toàn thành phố.
Bệnh sốt vàng, có nguồn gốc từ một loại virus sống trên muỗi Aedes aegypti đã hoành hành khắp nước Mỹ. Sau này, người ta cho rằng dịch bệnh xuất phát từ Tây Phi và lan đến Mỹ trên những con tàu nô lệ. Khí hậu nóng ẩm mùa hè là điều kiện lý tưởng để cho muỗi truyền virus sốt vàng sinh sôi nảy nở.
Sau thời gian ủ bệnh từ 3 - 6 ngày, người mắc sốt vàng sẽ xuất hiện những triệu chứng của bệnh cúm, sốt và đau nhức cơ bắp. Da của bệnh nhân chuyển dần sang màu vàng đặc trưng do gan và thận bị tổn thương. Sau một thời gian phát bệnh, nạn nhân thường bị xuất huyết đường tiêu hóa, nôn ra máu đen đặc quánh như bã cà phê rồi vật vã trong cái chết đau đớn. Sốt vàng da thời đó là một căn bệnh nguy hiểm chết người với tỷ lệ tử vong lên tới 50%.
Virus đã giết chết khoảng một nửa số người bị nhiễm, nhưng những người may mắn sống sót lại trở nên “thích nghi” hoặc có khả năng miễn nhiễm suốt đời. Cũng chính vì vậy, những người lao động mắc bệnh và sống sót sẽ trở nên rất có giá trên thị trường lao động. Họ được coi như đã được “rửa tội lần hai” và được “Chúa ban phước lành”.
Nước Mỹ thời đó là một xã hội nô lệ, nơi người da trắng thống trị cả những người da màu tự do và nô lệ thông qua các hành vi bạo lực được pháp luật chấp nhận. Nhưng bên cạnh tình trạng phân biệt chủng tộc, do đại dịch sốt vàng, nơi đây còn hình thành nên một hệ thống phân cấp vô hình khác, gồm “những công dân miễn nhiễm” da trắng đứng trên đỉnh kim tự tháp xã hội; tiếp theo là những “người nhập cư miễn nhiễm” da trắng, sau mới đến những thành phần khác.
“Tôi đã rải đơn khắp nơi chỉ để mong xin được một chân kế toán. Nhưngtuyển một người đàn ông trẻ chưa có miễn dịch thì quả là đầu tư liều lĩnh”, một tài liệu vào thập niên 1830 ghi lại những lời than thở của GustavLagel – một người nhập cư vào Mỹ từ Đức.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ thời đó từ chối những người muốn đăng ký mua bảo hiểm mà chưa từng nhiễm sốt vàng da hoặc đòi hỏi mức phí cao hơn nhiều lần. Việc có hay không miễn dịch với sốt vàng da cũng quyết định cả khu vực nơi người dân nhập cư được sinh sống; quyết định mức lương, quyết định một người có được vay tiền hay không, thậm chí có thể kết hôn với ai….
Khả năng miễn dịch không chỉ là một sản phẩm của may mắn dịch tễ học. Thời đó, nó còn được sử dụng như một vũ khí tuyên truyền. Những người ủng hộ chế độ nô lệ đã sử dụng dịch sốt vàng để lập luận rằng chế độ nô lệ chủng tộc là tự nhiên, thậm chí là nhân đạo, vì nó cho phép người da trắng giãn cách xã hội; họ có thể ở nhà, trong sự an toàn tương đối, còn người da đen bị buộc phải lao động thay cho họ. Năm 1853, tờ "Weekly Delta" tuyên bố một cách ngớ ngẩn rằng 3/4 số ca tử vong do sốt vàng là ở những người theo chủ nghĩa bãi nô.
Nhiều kẻ cố tình cho rằng, người da đen khỏe mạnh hơn và có khả năng kháng bệnh sốt vàng da cao hơn. Họ nói rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy người da đen được Chúa trời chọn lựa để lao động, phụng sự người da trắng. Thực tế hoàn toàn ngược lại, người da đen tại Mỹ khi đó có tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn người da trắng do họ ít được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế.
Người da đen tất nhiên cũng sợ bệnh sốt vàng như bất kỳ ai khác. Nhưng những nô lệ đã mắc bệnh và miễn dịch với sốt vàng đã giúp giá của họ tăng lên tới 50% cho chủ nô. Vì thế về bản chất, quyền miễn dịch của người da đen lại trở thành lợi nhuận của người da trắng.
Trước sự phân biệt đối xử ghê gớm như vậy, nhiều người da đen tự do sống tại Mỹ thời đó đã tìm đến cách thức giải quyết hết sức dại dột: Không ít người cố tình để nhiễm bệnh bằng cách sống chung với nhau trong những căn phòng bẩn thỉu, chật chội, hoặc ngủ trên giường của bệnh nhân vừa qua đời vì sốt vàng, với hy vọng sẽ mắc bệnh và sống sót để có khả năng miễn dịch. Miễn dịch với sốt vàng có thể mang lại cho họ “cơ hội đổi đời” vì được thoải mái buôn bán làm ăn trong khi người da trắng co cụm trong nhà vì sợ lây nhiễm.
Nhà sử học Kathryn Olivarius cho rằng, việc nhiều người tử vong vì sốt vàng đem đến lợi ích cho tầng lớp giàu có ở Mỹ lúc bấy giờ, vì lực lượng lao động luôn phải cố gắng làm việc để có tiền chi trả tại bệnh viện nếu chẳng may nhiễm bệnh. Chính quyền cũng không thực hiện nhiều biện pháp để đẩy lùi dịch bệnh với lập luận rằng cách tốt nhất để giải quyết dịch sốt vàng da là để cho có nhiều người nhiễm hơn, cho đến khi chỉ còn lại toàn là những người có khả năng miễn dịch.
Gánh nặng dịch bệnh thời đó đè nặng lên tầng lớp lao động, đặc biệt là những người chưa có khả năng miễn dịch, chứ không phải tầng lớp thượng lưu. Ước tính, hơn 400.000 người Mỹ đã tử vong vì bệnh sốt vàng.
Dịch sốt vàng tại Mỹ chỉ kết thúc khi những cơn gió lạnh buốt của mùa đông kéo về và giết gần hết các quần thể muỗi. Ngày nay thế giới đã có vaccine ngừa sốt vàng da, nhưng theo một ước tính của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2001, có tới 200.000 người vẫn bị sốt vàng và 30.000 tử vong.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Bộ lạc nguyên thủy nhất thế giới, nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước 1 lần nào