Khám phá

Tập tục kéo dài hộp sọ của người cổ đại

Tập tục làm biến dạng hộp sọ được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới thông qua các bằng chứng hóa thạch. Tùy theo từng nền văn hóa, một cái đầu thon dài là biểu tượng của trí thông minh, vẻ đẹp hoặc thể hiện địa vị cao quý trong xã hội.

Băng tan, hồi sinh quái vật 30.000 tuổi từng giết nhiều ma mút và người cổ đại / Rùng mình nhóm người cổ đại ăn thịt xác chết, dùng xương làm công cụ

Phương pháp kéo dài hộp sọ được thực hiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Ảnh: History
Phương pháp kéo dài hộp sọ được thực hiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Ảnh: History

Hộp sọ kéo dài giống người ngoài hành tinh
Các nền văn minh cổ đại trên thế giới có những đặc điểm riêng biệt thể hiện nền văn hóa của họ như trang phục, ngôn ngữ nói, truyền thống và phong tục truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, họ cũng có một số phong tục được tiến hành giống nhau trên khắp các lục địa của Trái Đất bao gồm nghi lễ hiến tế, chôn cất,…và đặc biệt là kéo dài hộp sọ.
Trước đây, người ta tin rằng tập tục sửa đổi hình dạng của đầu bắt nguồn từ người Ai Cập cổ đại, sau đó lan rộng ra nơi khác. Nhưng trong vài nghiên cứu, giới khoa học kết luận rằng tập tục này không chỉ xảy ra tại một khu vực địa lý cụ thể sau đó truyền bá ra các vùng xung quanh. Thay vào đó, nó xuất hiện một cách độc lập trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Các bằng chứng hóa thạch cho thấy, tập tục kéo dài hộp sọ xuất hiện từ đầu thời kỳ đồ đá mới, khoảng năm 10.000 trước Công nguyên. Một số hộp sọ lâu đời nhất bị kéo dài trông giống người ngoài hành tinh đã được khai quật tại khu vực Coobool Creek và Kow Swamp ở phía đông nam Australia, hang Shanidar (Iraq), hang Confins tại vùng cao nguyên phía đông Brazil. Kể từ năm 5.000 trước Công nguyên, tập tục này dường như lan rộng ra khắp nơi khi các nhà khảo cổ phát số lượng hộp sọ bị kéo dài có niên đại vào thời điểm đó tăng lên.
Việc kéo dài hộp sọ luôn được thực hiện trong giai đoạn trẻ nhỏ, do xương sọ vẫn còn mềm, dễ uốn, các khớp nối giữa các xương (sutures) không cố định và có thể xê dịch. Điều này cho phép dễ dàng tạo hình lại đầu. Người cha hoặc mẹ sẽ quấn chặt đầu con bằng những băng vải. Cách này khiến hộp sọ phát triển hướng lên trên theo hình trụ. Tuy nhiên, nếu quấn vải quá chặt, đứa trẻ có thể chết. Phương pháp này được sử dụng bởi người Ai Cập, Levant, người dân bản địa thuộc nền văn hóa Aymara ở vùng cao nguyên gần Tiwanaku, Brazil, bộ tộc trên đảo Malekula và New Hebrides… Tại châu Âu, một số lượng lớn hộp sọ thon dài cũng được phát hiện trong các ngôi mộ cổ.
Phiến đá Wilbour, có niên đại 1352-1336 TCN, vẽ pharaoh Ai Cập Akhenaten và Nữ hoàng Nefertiti với hộp sọ kéo dài. Ảnh: Wikimedia
Phiến đá Wilbour, có niên đại 1352-1336 TCN, vẽ pharaoh Ai Cập Akhenaten và Nữ hoàng Nefertiti với hộp sọ kéo dài. Ảnh: Wikimedia

Cách làm khác giúp tạo ra hộp sọ thon dài là dùng thiết bị cơ học, cụ thể là dùng ván gỗ cứng để ép chặt phần trước và sau đầu trẻ trong thời gian dài. “Từ khi đứa trẻ ra đời, họ ép hộp sọ của con mình giữa hai tấm ván buộc vào nhau ở hai đầu và chúng bị siết chặt mỗi ngày. Sau ba năm, hộp sọ của đứa trẻ biến dạng và trở nên dài hơn”, nhà sử học Garcilaso de la Vega viết trong cuốn sách mô tả phương pháp kéo dài hộp sọ của một số bộ tộc ở Peru xuất bản năm 1609. Phương pháp này chủ yếu được tiến hành tại khu vực Nam Mỹ và Trung Mỹ, quần đảo Solomon và đảo New Caledonia.
Các hộp sọ biến dạng có nhiều đặc điểm tương đồng với nhau. Ví dụ trên bề mặt xuất hiện những rãnh hoặc vết lõm ngang. Điều này cho thấy, hộp sọ đã phải chịu một áp lực nhân tạo từ phía bên ngoài, không phải là kết quả của các vấn đề di truyền hoặc bẩm sinh.
Lý do kéo dài hộp sọ
Tùy theo nền văn hóa cổ đại khác nhau, một cái đầu thon dài là biểu tượng của trí thông minh cao hơn, tượng trưng cho vẻ đẹp, hoặc là biện pháp để khiến các thành viên trong bộ tộc trông mạnh mẽ và hung dữ hơn nếu xảy ra chiến tranh. Ở một số nơi, chiếc đầu kéo dài còn thể hiện địa vị cao quý trong xã hội. Ví dụ, người đứng đầu hoặc các thành viên của gia đình hoàng gia sẽ tạo hình hộp sọ dài hơn so với linh mục, pháp sư hoặc quan chức địa phương. Như vậy, người có đầu dài nhất là người cao quý nhất. Nô lệ không bao giờ được phép kéo dài đầu.
Nhiều vùng trên thế giới, người ta kéo tóc ra phía sau và tết lại, tạo thành một búi tóc trên đỉnh đầu để làm nổi bật thêm hình dạng thon dài của đầu. Mũ nhọn cũng được sử dụng với cùng mục đích nói trên. Tại Ai Cập thời cổ đại, chỉ có giới quý tộc và pharaoh mới được phép đội những chiếc mũ nhọn, là biểu tượng cho địa vị cao quý của họ. Ở trung tâm châu Âu, các nhà khảo cổ phát hiện một số chiếc mũ hình nón làm bằng vàng có niên đại khoảng năm 1400 trước Công nguyên. Chúng nhiều khả năng là mũ đội đầu của người giàu và người có địa vị trong xã hội. Quay lại thời Hy Lạp cổ đại, người được giải thoát khỏi thân phận nô lệ sẽ đội một chiếc mũ hình chóp, cho thấy địa vị của họ đã tăng lên. Thậm chí ngày nay, khách mời danh dự tiệc sinh nhật đôi khi đội một chiếc mũ nhọn để thể hiện tầm quan trọng của mình.
Theo quan niệm của một số nền văn hóa ở Trung Mỹ, tập tục làm biến dạng hộp sọ bắt nguồn từ yêu cầu của các vị thần. Vị thần Manco Cápac trong văn hóa của người Peru đã yêu cầu người dân tiến hành nghi lễ kỳ lạ này để con cái của họ trở nên ngoan ngoãn và biết nghe lời hơn. Người Polynesia cổ đại tin rằng, tổ tiên họ đã được truyền đạt lại cách làm thay đổi hình dạng đầu từ một nhóm người có da sáng màu trên bầu trời.
Năm 1928, nhà khảo cổ học Julio Tello tìm thấy hơn 300 hộp sọ bí ẩn tại Paracas, Peru trong một hầm mộ bị chôn vùi dưới cát và đá, có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm. Chúng cũng bị kéo dài ra phía sau nhưng có kích thước lớn hơn 25% và nặng hơn 60% so với những hộp sọ thông thường của con người. Điều này khá đặc biệt bởi vì các phương pháp làm biến dạng hộp sọ chỉ làm thay đổi hình dạng bên ngoài chứ không thể thay đổi khối lượng cũng như thể tích của nó. Ngoài ra, cấu trúc của những hộp sọ Paracas rất khác biệt, chỉ có một lớp xương đỉnh sọ thay vì hai lớp như người bình thường. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Paracas đã gửi các mẫu vật lấy từ năm hộp sọ để tiến hành phân tích gene. Kết quả cho thấy, DNA ty thể (thừa hưởng từ người mẹ) trong các hộp sọ có sự đột biến khác thường, không giống với bất kỳ chủng người (Homo sapiens, Neanderthals, Denisovans…), linh trưởng hay động vật nào khác. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được bí ẩn về những hộp sọ Paracas, cũng như không biết chúng nằm ở đâu trong sơ đồ tiến hóa của loài người.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm