Khám phá

Tìm được hậu duệ Chử Đồng Tử - Tiên Dung sống ở Hải Dương?

Ở làng cổ Bảo Sài (TP Hải Dương) có ngôi đền thờ Tiên Dung công chúa. Dòng họ Chử trong làng nhận đó là đền thờ tổ phụ - tổ mẫu. Đây là hậu duệ Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

Hòn đảo 'nhuốm máu' của Đài Loan từng bị Trung Quốc nả đạn tơi tả / Du thuyền, hỏa xa siêu xa xỉ của Từ Hy thái hậu

Độc đáo ngôi đền thờ Tiên Dung

Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương cho hay: Vùng đất Bảo Sài xa xưa là vùng triều bãi ven sông, cỏ hoang dại mọc um tùm, dân cư thưa thớt. Cả vùng như một hòn đảo nổi trên mặt nước, nguồn sống chính của cư dân là chài lưới và cấy lúa nước. Dân cư ngày một đông, dần dần hình thành một địa danh gọi là Bình Lao trang. Đến thời Lê, Bình Lao là một xã gồm 4 thôn: Bằng Lâu, Tân Kim, Trung Xá và Bảo Sài. Thời Trần, Bình Lao trang thuộc Bộ Thượng Hồng. Thời Nguyễn thuộc tổng Hàn Giang, Cẩm Giàng huyện. Sau ngày hòa bình lập lại, Bảo Sài, Trung Xá thuộc khu phố Một. Tân Kim, Bằng Lâu thuộc xã Thanh Bình. Hiện nay Trung Xá và Bảo Sài thuộc phường Phạm Ngũ Lão.

Ngôi đền Bảo Sài được người họ Chử nhận là nơi thờ tổ phụ, tổ mẫu của mình.

Đền Bảo Sài thờ Tiên Dung công chúa, con gái vua Hùng thứ 18, người đã nên duyên vợ chồng cùng chàng đánh cá Chử Đồng Tử. Đền tên tự là Thanh Hư Động, được xây từ thời Hậu Lê, kiến trúc theo hình chữ Đinh. Tại gian giữa tòa tiền đế được treo một bức cửa võng sơn son thếp vàng, chạm các tích mai điểu, đường nét tinh tế. Phía trên có bức đại tự ghi bốn chữ Bồng Lai Cung Quyết. Hai bên là câu đối: Phủ dục quần sinh, tức nữ trung Nghiêu Thuấn/Mẫu nghi thiên hạ, trần thế thượng thần tiên (Vỗ về nuôi nấng chúng sinh, đúng là nữ nhân thời Nghiêu Thuấn/Người mẹ khuôn phép của thiên hạ, xứng là bậc thần tiên trên thế gian). Chính giữa gian hậu cung đặt bàn thờ sơn son thếp vàng. Phía trên đặt hai cỗ ngai. Một trong hai ngai thờ Tiên Dung công chúa.

Chuyện ngôi đền Bảo Sài thờ Tiên Dung công chúa xét cho cùng cũng chẳng có gì lạ, bởi ngoài đền thờ chính ở Bình Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) thì nhiều nơi ở vùng châu thổ sông Hồng này cũng đã lập đền thờ. Thế nhưng, điều đặc biệt theo ông Tăng Bá Hoành là dường như có mối liên hệ giữa Chử Đồng Tử - Tiên Dung với vùng đất các thôn Bảo Sài, Bình Lâu, Tân Kim... ven sông Kẻ Sặt này. Bởi ở đây hiện nay có hàng trăm người mang họ Chử. Họ cũng tự nhận ngôi đền thờ tổ phụ, tổ mẫu của mình. Vậy, phải chăng hậu duệ Chử Đồng Tử - Tiên Dung vẫn còn?

Sự thật bước ra từ huyền sử

Theo chỉ dẫn của ông Hoành, tôi tìm về làng cổ Bảo Sài. Ông Chử Tăng Nhuận năm nay 75 tuổi, từng có thâm niên 20 năm làm Trưởng ban Ban Quản lý di tích đình, đền, chùa Bảo Sài. Ông cũng có những chuyến thực tế để đi tìm gốc tích dòng họ Chử, những nơi dòng họ sinh sống nên hơn ai hết, ông Nhuận nắm rõ về dòng họ của mình hơn cả.

Giọng ông Nhuận trở nên xúc động: "Rất tiếc, hiện nay dòng họ của chúng tôi không giữ được gia phả từ thế hệ đầu tiên. Thế nhưng ngay từ nhỏ, tôi đã được nghe các cụ kể rằng, ngôi đền Bảo Sài thờ tổ phụ, tổ mẫu của dòng họ".

 

Theo ông Nhuận, gốc họ Chử ở làng Chử Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và hiện ở đây vẫn có người họ Chử. Còn ở Đa Hòa, xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên, nơi thờ tự chính Chử Đồng Tử và Tiên Dung thì "không có ai mang dòng họ Chử cả".

Vậy nhưng cơ sở nào để khẳng định dòng họ Chử ở Bảo Sài chính là hậu duệ của Chử Đồng Tử? Thấy được sự băn khoăn của tôi, ông Nhuận cho hay: Các cụ truyền lại rằng, sau khi Chử Đồng Tử - Tiên Dung nên duyên chồng vợ, vua Hùng rất tức giận không cho trở về triều, hai vợ chồng ở lại sống cuộc đời sông nước, dạy dân làm ăn. Sau, con cháu đông dần rồi di cư đến các triền sông khác để sinh sống.

Ông Nhuận nhấn mạnh để làm rõ mối liên hệ giữa dòng họ của mình với truyền thuyết về Chử Đồng Tử - Tiên Dung: "Thực tế, nghề chính của dòng họ Chử ở khu vực Bảo Sài, Bình Lâu là chài lưới. Thuở trước, con sông này liền mạch từ Hưng Yên sang. Gốc gác của dòng họ không phải từ đây mà do công cuộc mưu sinh nên người họ Chử di dời từ mạn Hưng Yên dần xuống phía hạ nguồn con sông rồi quần tụ thành làng. Cũng chính vì thế, người họ Chử đã lập ngôi đền phụ thờ cha mẹ mình ở làng, chính là đền Bảo Sài bây giờ".

Cuộc sống của con cháu dòng họ Chử ở Bảo Sài gắn liền với sông nước, cho đến khi có con đê ngăn cách bãi triều với sông Kẻ Sặt thì người họ Chử cũng dần bỏ nghề tổ tiên để chuyển sang các nghề khác. Bây giờ Bảo Sài đã lên phố, nhà cửa san sát, thật khó để tìm được dấu tích của một làng chài.

Theo ông Tăng Bá Hoành, dòng họ Chử ở Bảo Sài có mối liên hệ với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

 

Dòng họ Chử ở Bảo Sài lớn dần, được chia ra các chi: Chử Đức, Chử Hữu, Chử Bá. Từ những chi này lại chia ra làm các chi nhỏ. "Trong làng có chừng 60 hộ mang họ Chử", ông Nhuận cho biết. Làng Bình Lâu, nay thuộc phường Tân Bình gần kề cũng có người họ Chử. Ngoài ra, ở khu vực ga Phú Thái, huyện Kim Thành, Hải Dương cũng có dòng họ này. "Trước đây, vào ngày hội đền, các chi họ Chử trên địa bàn Hải Dương cũng về đây quần tụ, rồi sang cả bên Hưng Yên dự lễ hội đền chính. Trong tiềm thức, chúng tôi là con cháu của Chử Đồng Tử - Tiên Dung", ông Nhuận không giấu được niềm tự hào.

Ông Tăng Bá Hoành, người đã dày công nghiên cứu về di tích, danh thắng tỉnh Hải Dương cho rằng: Truyền thuyết về Chử Đồng Tử - Tiên Dung có từ trước công nguyên, được truyền miệng trong dân gian. Bây giờ mà đòi hỏi người họ Chử ở Bảo Sài phải trình ra được gia phả chứng minh rằng mình là hậu duệ Chử Đồng Tử - Tiên Dung thì thật không tưởng. Song qua quá trình nghiên cứu, xem xét hồ sơ di tích của ngôi đền Bảo Sài, có những vấn đề như người họ Chử ở Bảo Sài thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung, họ cũng từng làm nghề chài lưới thì tôi tin không phải ngẫu nhiên mà có những sự trùng hợp ấy.

Dù ông Chử Tăng Nhuận thừa nhận "có thể còn người hồ nghi về gốc tích dòng họ Chử ở Bảo Sài có liên quan tới Chử Đồng Tử - Tiên Dung", song việc ở Bảo Sài có hàng trăm người mang dòng họ Chử, họ có nghề truyền thống là chài lưới, thờ tổ phụ, tổ mẫu ở ngôi đền Bảo Sài là sự thực. "Niềm tin chúng tôi là con cháu Chử Đồng Tử - Tiên Dung chẳng gì thay thế được, chừng nào ngôi đền Bảo Sài và những người họ Chử vẫn còn", ông Nhuận nói.

Đền Bảo Sài thờ Tiên Dung công chúa nằm trong cụm di tích danh thắng đình, đền, chùa Bảo Sài; được công nhận là di tích quốc gia năm 1992. Trước đây, lễ hội chính tổ chức ngày 10/3 âm lịch, đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, sau chuyển vào ngày 10/2 âm lịch theo ngày sinh tướng quân Trương Mỹ - một vị tướng thời Hai Bà Trưng, được thờ tại đình làng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm