Về Lang Chánh ghé thăm núi rừng Chí Linh
Thác Hiêu: 'Viên ngọc sáng' giữa cảnh đẹp Pù Luông / Chân tướng thật sự đằng sau việc Lưu Bị phó thác con cho Gia Cát Lượng nhưng lại giao binh quyền cho người khác
Núi Chí Linh còn được biết đến với tên gọi núi Pù Rinh (hay Bù Rinh) với đỉnh cao nhất lên đến trên 1.000m nằm “vắt” qua địa bàn hai huyện Lang Chánh và Thường Xuân của xứ Thanh. Không chỉ là dãy núi cao hùng vĩ, núi Chí Linh còn là một trong những căn cứ - gắn với những năm tháng gian khổ của khởi nghĩa Lam Sơn.
Ngược dòng lịch sử, hậu thế biết thêm nhiều điều thú vị về danh sơn Chí Linh nơi miền Tây xứ Thanh. Hơn 600 năm trước, triều Trần suy yếu, nhà Hồ lên thay nhưng không được lòng dân khiến tình hình đất nước bất ổn. Lợi dụng tình thế ấy, nhà Minh phương Bắc đã đưa quân sang xâm chiếm nước ta. Dưới ách đô hộ của giặc Minh, đời sống Nhân dân ta điêu đứng khốn cùng. Đã có những cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm nổ ra ở nhiều nơi song đều thất bại.
Bấy giờ, Phụ đạo lộ Khả Lam Lê Lợi đã hiệu triệu lòng người cùng tìm về núi rừng Lam Sơn bàn kế sách đánh giặc. Sau Hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi xưng Bình Định vương, phất cờ khởi nghĩa.
Buổi ban đầu, khởi nghĩa gặp muôn vàn khó khăn do còn non yếu, thiếu thốn trăm bề. Đặc biệt, với dã tâm “bóp chết” cuộc khởi nghĩa, giặc Minh đã dồn lực đàn áp. Trong tình thế ấy, với sự cơ trí, Bình Định vương Lê Lợi đã quyết định rút quân lên vùng núi cao thuộc Mường Mọt (được cho là Bát Mọt ngày nay), từ đây tiến sâu vào núi Chí Linh. Bấy giờ, mọi ngả đường vào núi Chí Linh bị kẻ địch “khóa chặt”, chúng cho quân lùng sục khắp nơi, quyết tâm bắt được viên chủ tướng Lê Lợi.
Nghĩa quân Lam Sơn rơi vào thế hiểm nghèo, lương thực ít, tuyệt đường đi lại, quân lính chịu khổ, đói rét, bệnh tật hoành hành, chí khí quân sĩ nao núng... Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, để giải vây, nơi núi rừng Chí Linh, Lê Lai đã “liều mình cứu chúa”.
“Đây không chỉ là kế sách mà còn là một quyết sách táo bạo, mang tính chiến lược trong nghệ thuật quân sự của Lê Lợi trên địa bàn rừng núi của Lang Chánh. Vùng đất này được chứng kiến những người con kiên trung của dân tộc xả thân vì độc lập tự do... Và cũng chính mảnh đất này đã chứng kiến những sự kiện đặc biệt và hiếm có của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, là chiến trường giao tranh đẫm máu, nơi diễn ra “mở con đường máu” đánh lừa quân thù để thoát khỏi tình thế hiểm nghèo nhất trong thời gian đầu bị vây ráp tại Chí Linh - Lang Chánh nhằm bảo toàn lực lượng và cơ quan đầu não - linh hồn của cuộc kháng chiến” (sách Địa chí huyện Lang Chánh).
Sau thời gian củng cố lực lượng, nghĩa quân Lam Sơn đã rời núi Chí Linh và có những trận giao chiến ác liệt với giặc Minh khiến kẻ địch hoảng sợ. Vì thế, giặc càng điên cuồng nhằm đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Bấy giờ, nghĩa quân Lam Sơn lại một lần nữa phải rút quân lui về núi rừng Chí Linh. Tại đây, nghĩa quân Lam Sơn được đồng bào các dân tộc chung tay đùm bọc, đồng cam cộng khổ cùng nghĩa quân chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Quãng thời gian ở rừng núi Lang Chánh, Lê Lợi cùng các tướng lĩnh và nghĩa quân ẩn náu vẫn kiên trì, giữ vững chí khí, quyết vượt gian nguy. Sự cưu mang của đồng bào các dân tộc ở khu vực núi Chí Linh, Lang Chánh cùng với sự tháo vát của tướng vận lương Nguyễn Nhữ Lãm... đã giúp nghĩa quân Lam Sơn vượt qua những tháng ngày gian khổ, thoát khỏi vây quét, lùng sục của quân Minh để tồn tại và phát triển.
Trong khởi nghĩa Lam Sơn, nghĩa quân đã có nhiều lần lui về núi Chí Linh để bảo toàn, củng cố lực lượng. Và những lần rút về Chí Linh đều trong tình thế nguy nan. Đánh giá về vai trò của núi Chí Linh trong khởi nghĩa Lam Sơn, nhiều nhà nghiên cứu đã đồng thuận cho rằng, đó thực sự là “nơi ra đi, chốn trở về”. Trở về để nương náu, ẩn mình, khôi phục lực lượng. Để từ đây lại tiếp tục ra đi chiến đấu...
Không chỉ là một trong những căn cứ của khởi nghĩa Lam Sơn, theo tác giả Bùi Văn Nguyên (sách Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn), chính tại núi Chí Linh đã diễn ra một hội thề quan trọng - sau Hội thề Lũng Nhai: “Không rõ, khi mới khởi nghĩa, sau Hội thề Lũng Nhai, còn có những hội thề nào khác giữa Lê Lợi và các tướng lĩnh? Chỉ biết rằng sau ngày mùng chín tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), khi giặc vây ráp và được Lê Lai đổi áo cứu mạng, Lê Lợi vào ẩn ở núi Chí Linh và đến ngày mười tám tháng đó, có tổ chức hội thề với các tướng lĩnh gồm 35 người có mặt. Có thể đây là một hội thề quan trọng vừa để củng cố lòng tin, vừa để mở rộng lực lượng... Linh Sơn tuy xếp sau Lam Sơn nhưng là đất hiểm yếu hơn Lam Sơn rất nhiều. Bốn lần Lê Lợi cùng nghĩa quân rút lên Linh Sơn là bốn lần nguy hiểm”.
Đi qua thời gian, về lại núi rừng Chí Linh hùng vĩ trên đất Lang Chánh, theo dòng lịch sử, hậu thế lại “đắm mình” trong khí thế cuộc khởi nghĩa hào hùng năm xưa, qua những chuyện kể, truyền thuyết.
Truyền thuyết kể rằng, một lần bị giặc Minh vây hãm lâu ngày trên núi Chí Linh khiến nghĩa quân bị tuyệt lương, hết nước uống. Bấy giờ, từ xa vọng lại có tiếng cuốc kêu, quân lính đã lần theo tiếng chim cuốc và tìm thấy nguồn nước. Từ đấy, người dân trong vùng cho rằng chim cuốc là loài chim có công nên không ăn thịt. Thay vào đó, sẽ cúng cơm lam và gà thui... (theo sách Địa chí huyện Lang Chánh).
Là thác Ma Hao (Ma Háo với nghĩa là chó ngáp) xã Trí Nang (huyện Lang Chánh) gắn liền với truyền thuyết về sự trung thành của chú chó đi theo nghĩa quân Lam Sơn. Tương truyền, trong một lần bị giặc Minh dẫn theo đàn chó ngao hung dữ truy đuổi, chú chó trung thành đi theo Bình Định vương Lê Lợi đã “xả thân” liều mình cắn trả lại đàn chó ngao hung dữ, để nghĩa quân có điều kiện vượt thác thành công. Cảm động trước sự trung thành của chú chó, về sau Bình Định vương Lê Lợi đã đặt tên cho thác nước là Ma Hao.
Cũng ở khu vực bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh) - khu vực trung tâm của núi Chí Linh, khi xưa còn có miếu thờ nghĩa quân Lam Sơn và đền thờ Lê Lợi. Ngày nay, miếu thờ nghĩa quân Lam Sơn dưới chân thác Ma Hao đã được khôi phục lại.
Từ không gian lịch sử, núi Chí Linh ngày nay còn trở thành điểm đến du lịch, khám phá văn hóa của du khách gần xa. Trong đó, đặc biệt tại xã Trí Nang, nơi có thác Ma Hao (núi Chí Linh) và Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Năng Cát đang dần trở thành điểm đến được yêu thích.
Đặc biệt, những năm gần đây, lễ hội Chí Linh Sơn diễn ra tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao do huyện Lang Chánh tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đã tạo được sức hấp dẫn, thu hút du khách về với không gian văn hóa dưới chân núi Chí Linh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Người đàn ông vớt được vật lạ dưới sông, không phải cục vàng, đó là gì?
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này