Khám phá

Vì sao Alexander Đại đế qua đời?

Mặc dù đã xảy ra hơn 2.300 năm trước nhưng bí ẩn về cái chết của Alexander Đại đế cuối cùng có thể được giải đáp nhờ nghiên cứu của trường Đại học Otago, New Zealand.

Tại sao bức tượng nữ đấu sĩ La Mã cổ đại lại có tư thế kì lạ? / Câu chuyện đáng sợ về ma quỷ thời La Mã cổ đại

Tiến sĩ Kinda Hall, giảng viên cao cấp tại Trường Y khoa Dunedin và là một bác sĩ lâm sàng, tin rằng nhà cai trị cổ xưa này không chết vì nhiễm trùng, nghiện rượu hoặc bị giết hại như nhiều người tuyên bố. Thay vào đó, bà lập luận rằng ông đã suy sụp do hội chứng rối loạn thần kinh Guillain - Barré (GBS).
Trong một bài báo đăng trên tạp chí The Ancient History Bulletin, Hall viết rằng những giả thuyết trước đây về cái chết của Alexander năm 323 trước công nguyên vẫn chưa thỏa đáng vì chúng không giải thích được hết toàn bộ sự kiện.
“Đặc biệt, không ai đưa ra được một câu trả lời đầy đủ, có thể giải thích hợp lý và thực tế cho việc cơ thể Alexander không có bất kỳ dấu hiệu phân hủy nào trong 6 ngày sau khi chết. Hiện tượng này đã được ghi chép lại”.
Cái chết của Alexander Đại đế năm 323 TCN. Nguồn: Universal History Archive

Cái chết của Alexander Đại đế năm 323 TCN. Nguồn: Universal History Archive

“Người Hy Lạp cổ đại nghĩ rằng nó chứng minh Alexander là một vị thần. Bài viết [của tôi] là nghiên cứu đầu tiên cung cấp một câu trả lời chân thực”, Tiến sĩ Hall nói.
Cùng với ghi chép về việc chậm phân hủy, vị vua 32 tuổi này cũng được cho là đã bị sốt, đau bụng; triệu chứng tê liệt lan đều hai bên cơ thể; và vẫn duy trì sự tỉnh táo cho đến ngày trước khi chết.
Tiến sĩ Hall tin rằng việc chẩn đoán Alexander mắc hội chứng GBS (do nhiễm khuẩn Campylobacter pylori, khá phổ biến tại thời điểm đó và là nguyên nhân thường gặp của GBS) đứng vững trước các phép thử về học thuật cả từ góc độ cổ điển và y học.
Hầu hết các tranh luận xung quanh nguyên nhân cái chết của Alexander tập trung vào biểu hiện sốt và đau bụng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hall cho rằng mô tả về việc ông vẫn giữ được sự tỉnh táo hầu như không nhận được bất kỳ sự chú ý nào.
Bà tin rằng vị vua đã mắc Bệnh thần kinh sợi trục vận động ngoại biên cấp (acute motor axonal neuropathy, AMAN), một thể của hội chứng GBS, gây ra tê liệt cơ thể nhưng không gây trạng thái bị lẫn hay mất bất tỉnh.
Cái chết của ông còn phức tạp hơn bởi phương pháp chẩn đoán tử vong ở thời cổ đại vốn chỉ dựa vào nhịp thở chứ không phải mạch đập, bà Hill cho biết.
Triệu chứng tê liệt cơ thể (thường xảy ra do GBS) và nhu cầu oxy giảm khiến cho nhịp thở của ông ít đi và khó nhận thấy được.
Việc cơ thể ông không thể tự điều chỉnh nhiệt độ, đồng tử bất động và giãn ra, cũng cho thấy hiện tượng cơ thể Alexander còn nguyên vẹn không phải do phép lạ mà vì lúc đó ông chưa thực sự chết.
Alexander Đại đế được coi là một trong những vị tướng nổi tiếng của thế giới

“Tôi muốn khuấy động các cuộc tranh luận mới và có thể là viết lại sách lịch sử bằng việc lập luận rằng cái chết thực sự của Hoàng đế Alexander xảy ra muộn hơn 6 ngày so với lịch sử ban đầu. Cái chết của ông có thể là trường hợp nổi tiếng nhất về việc chẩn đoán sai thời điểm tử vong từng được ghi nhận”, Hall nói.
Tiến sĩ Hall tin rằng mọi người vẫn quan tâm đến Alexander Đại đế vì ông là một người có tâm lý phức tạp và được xem như một anh hùng-chiến binh.
“Bí ẩn kéo dài về nguyên nhân cái chết của ông vẫn tiếp tục thu hút được sự quan tâm của cả công chúng và giới học thuật.”
“Việc chẩn đoán GBS là nguyên nhân cái chết của ông rõ ràng giải thích rất nhiều yếu tố khác biệt và làm cho chúng thành một tổng thể mạch lạc”, Bà Hall nhấn mạnh
Theo Ngô Hà/Khoa học & Phát triển
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm